Tốt
nghiệp THPT năm 2018, Võ Văn Tài (quê ở H. Tuy An – Phú Yên) quyết định
vào TP Hồ Chí Minh làm phụ hồ một năm để kiếm tiền trang trải chi phí
học tập cho những năm học sắp tới.
“Mỗi ngày tiền công phụ hồ của em được 300.000 đồng, sau khi trừ đi
khoản tiền ăn uống, ở trọ, em để dành được hơn 20 triệu, đủ đóng tiền
học phí trong năm học đầu tiên và sinh hoạt phí cho khoảng 3-4 tháng đầu
khi là SV, phòng trường hợp không xin được việc làm thêm” – Tài kể.
Chọn
theo học ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH
Đà Nẵng), Tài cho biết, em được các anh SV cùng quê của khóa trước tư
vấn là theo học ngành này vừa đảm bảo đầu ra, vừa có thể đi làm sớm để
kiếm thêm thu nhập.
“Mẹ em mất sớm, điều kiện kinh tế gia đình cũng rất khó khăn nên em
xác định mình phải tự lập trong suốt quá trình học. Kẹt lắm thì mới nghĩ
đến giải pháp vay vốn SV nên với em, trường nào có học phí ổn định, đầu
ra tốt thì em sẽ ưu tiên lựa chọn. Theo như em tìm hiểu thì thời gian
học thực hành nhiều hơn, dễ dàng đáp ứng yêu cầu về tay nghề khi tuyển
dụng lao động” – Võ Văn Tài chia sẻ.
Sử dụng hình thức xét tuyển theo học bạ, Trần Lê Đức Anh (quê ở Bình
Định) đăng ký nhập học ngành Công nghệ điều khiển tự động hóa của
trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng sau khi đã tham khảo tư vấn của
người anh họ vốn là SV cũ của trường.
“Anh em học ngành Cơ khí, ngay sau khi tốt nghiệp ra trường thì trúng
tuyển vào một nhà máy nhựa ở TP Hồ Chí Minh với mức lương hiện nay là
10 triệu/tháng sau một năm làm việc” – Đức Anh chia sẻ.
Có một yếu tố trong tư vấn tuyển sinh mà các trường chưa mấy
khi để ý đến, đó là “khóa trước mách nước cho khóa sau”: Nếu những SV
khóa trước sớm có việc làm, tỉ lệ có việc làm cao thì việc tuyển sinh
của những khóa sau rất thuận lợi. Thị trường lao động đã tác động rất
lớn đến kết quả tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.
Một cán bộ quản lý của ĐH Đà Nẵng cho biết, thị trường lao động đã có
tác động lớn đến việc chọn trường, chọn ngành của thí sinh và thông qua
đó sẽ tác động đến công tác đào tạo của trường. Những năm gần đây, các
ngành như cơ khí, công nghệ ô tô… rất được thí sinh chọn lựa.
PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cho
biết: “Nhà trường rất chú trọng phân tích tình hình, tự tìm hiểu thông
tin về dự báo nguồn nhân lực để có những điều chỉnh trong chương trình
đào tạo cũng như chỉ tiêu tuyển sinh. Với hình thức tuyển sinh xét tuyển
học bạ, chúng tôi có 1456 hồ sơ đăng ký xét tuyển so với 476 chỉ tiêu.
Ngoài kết hợp với doanh nghiệp trong chương trình tư vấn tuyển sinh
như là một cam kết về việc làm và chất lượng đào tạo đối với người học,
trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật còn tăng cường công tác thực tập, kiến tập
doanh nghiệp với chương trình Học kỳ doanh nghiệp để SV tiếp cận sớm và
thường xuyên với môi trường sản xuất, kinh doanh thực tế. Các cuộc thi
kỹ năng thực hành, thí nghiệm cũng được nhà trường tổ chức thường xuyên
như là một cách để gắn kết lý thuyết với thực hành, ứng dụng”.