Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của Kỷ nguyên số đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên, tuy vậy cũng mang lại không ít thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao. Để bắt nhịp cùng với thời đại 4.0, thời gian qua, các cơ sở đào tạo của Đại học Đà Nẵng đang phát huy những lợi thế để sớm xây dựng thành công theo mô hình đại học số, đổi mới sáng tạo, nỗ lực nâng cao năng lực thích ứng với xu thế trong thời đại mới.
Đổi mới phương pháp đào tạo
Nhằm phát huy sự chủ động, tự đánh giá, đưa ra giải pháp của người học, ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô, Khoa Cơ khí, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã áp dụng nhiều phương thức mới trong đào tạo và kiểm tra đánh giá. Nổi bật nhất là phương pháp kiểm tra tiến độ thực hiện đồ án tốt nghiệp bằng hình thức trình bày poster thay cho cách thuyết trình truyền thống. Theo phương pháp này, nhóm sinh viên thực hiện đề tài phải tổng hợp và trình bày các kết quả quan trọng đã thực hiện được trên khổ giấy A1 một cách khoa học nhất (đảm bảo nội dung, tính thẩm mỹ…); sau đó trưng bày tại một không gian mở để giảng viên, sinh viên, doanh nghiệp trao đổi, đánh giá.
Giảng viên Nguyễn Minh Tiến, Trưởng bộ môn Công nghệ Kỹ thuật Ô tô, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cho biết, qua các buổi trình bày poster, sinh viên sẽ tự tin hơn trong thuyết trình, trao đổi, học hỏi lẫn nhau về kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm và tiếp nhận nhiều góp ý, để cải thiện đề tài tốt hơn.
Giảng viên khoa Cơ khí, trường Sư Phạm Kỹ thuật đang giảng dạy thực tế cho sinh viên
Cũng cập nhật, thay đổi phương pháp đào tạo, từ năm học 2018-2019, trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), đã áp dụng cho các ngành học phương pháp dạy học qua dự án, bước đầu đã đem lại hiệu quả cao.
Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) Đoàn Quang Vinh cho biết, để thích ứng với phương pháp đào tạo theo dự án, sinh viên phải thay đổi thói quen của lớp học truyền thống, khuyến khích sự sáng tạo, khám phá, trình bày, vận dụng lý thuyết sang thực tiễn. Mặt khác, giảng viên dạy học theo dự án cần phải đổi mới cách dạy học mới như: nhận diện các tình huống để đem lại sự thành công cho dự án; tích hợp và khai thác công nghệ số một cách hợp lý; phát triển các phương pháp đánh giá thực tế…
Các dự án thực tế được giảng viên và sinh viên xây dựng hoặc phối hợp với doanh nghiệp. Bên cạnh đó sinh viên cũng có thể đề xuất dự án nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học
Trong những năm qua, trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) tích cực đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Năm học 2021- 2022, hoạt động nghiên cứu khoa học của Đại học Sư Phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) có sự tham gia của hơn 500 sinh viên. Nhà trường đã chọn lọc 59 đề tài xuất sắc của 198 sinh viên. Điển hình một số công trình có giá trị ứng dụng và khoa học cao như: Công trình xây dựng hệ thống quản lý rác thải thông minh cho bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà; nghiên cứu ứng dụng công nghệ cố định tế bào trong lên men rượu từ tỏi đen; Ứng dụng sinh khối vi sinh vật hiếu khí và thiếu khí để xử lý nước thải tàu cá…
Sinh viên Đỗ Thị Ngọc Hằng (Khoa Công Nghệ Hóa Học- Môi Trường, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật) có công trình nghiên cứu vừa được đăng tại tạp chí quốc tế Phytochemistry chia sẻ: “Thông qua các hoạt động nghiên cứu của nhà trường, em có thêm môi trường, điều kiện để sáng tạo, nghiên cứu, vận dụng tối đa lý thuyết vào thực tế. Đặc biệt, dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy cô, em được trau dồi nhiều kỹ năng trong quá trình nghiên cứu, thực hiện hiệu quả các đề tài khó, có tính ứng dụng cao. Em thấy hoạt động nghiên cứu khoa học rất bổ ích, khuyến khích sự đam mê, sáng tạo của sinh viên.”.
PGS. TS. Võ Trung Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh: “Nghiên cứu khoa học sinh viên là hoạt động trí tuệ, rèn luyện cho sinh viên khả năng tư duy sáng tạo, là một trong những mục tiêu chiến lược nhà trường nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo và trau dồi cho sinh viên đáp ứng được chuẩn đầu ra. Nhà trường luôn quan tâm, đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Việc nghiên cứu khoa học giúp giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, gắn liền với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, hình thành một đội ngũ các nhà khoa học trong tương lai.”
Tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp
PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho hay, nhà trường đặc biệt chú trọng liên kết chặt với doanh nghiệp, trong quá trình đào tạo và tiếp nhận, tuyển dụng sinh viên khi ra trường.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh: “Trước đây sinh viên học một cách thụ động, khó có sự sáng tạo, nhưng sau khi nhà trường thay đổi phương pháp đào tạo, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp đã giúp sinh viên nâng cao kỹ năng, sáng tạo. Mặt khác, việc hợp tác doanh nghiệp cũng tạo điều kiện cho sinh viên dễ dàng tìm kiếm môi trường thực tập, học hỏi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ chủ động hỗ trợ thêm học bổng, đầu tư cơ sở vật chất cần thiết trong giảng dạy…”.
Các chương trình đào tạo sinh viên đa số đều theo hướng tăng cường ứng dụng, thực hành
Theo Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), nhà trường đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Trong đó có các tập đoàn của nước ngoài lớn như JG, FUJIKIN, UAC…Tỷ lệ sinh viên sau khi ra trường có việc làm đạt trên 90-95%.
Tương tự trường Đại học Bách khoa, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cũng xem việc liên kết với doanh nghiệp là định hướng trọng tâm của trường. Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) Lê Văn Huy cho biết, nhà trường xây dựng chương trình đào tạo theo hướng học đi đôi với hành, trong đó các nhà tuyển dụng tham gia xây dựng, góp ý để chương trình đào tạo ngày càng hoàn chỉnh hơn. Nhiều học phần được các chuyên gia từ các doanh nghiệp, các tổ chức nghề nghiệp tham gia giảng dạy hoặc chia sẻ kinh nghiệm, giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc với thực tế nhiều hơn.
"Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên ký hợp tác với nhiều công ty về tuyển dụng lao động, giới thiệu các việc làm thêm; tổ chức các chương trình định hướng nghề nghiệp, chương trình tuyển dụng ngay tại trường hoặc tại các doanh nghiệp. Điều này đã giúp sinh viên có việc làm khi còn chưa tốt nghiệp", thầy Huy nói.
Theo Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), sinh viên của trường Đại học Kinh tế sau tốt nghiệp đều được các tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận và đánh giá cao về chất lượng đào tạo. Qua khảo sát việc làm, có những chuyên ngành đào tạo của trường đạt tỷ lệ 100% sinh viên có việc làm, hầu hết là đạt trên 85% có việc làm đúng ngành đào tạo sau 6 tháng tốt nghiệp.
Xem thêm tại:
THỦY THANH
(Cổng thông tin điện tử Thành phố Đà Nẵng)