Sidebar

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng đón tiếp và làm việc với Công ty Marvell

Ngày 16/01/2024, Công ty Marvell đã đến thăm và làm việc với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng nhằm tìm hiểu về thực trạng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Trường, phục vụ việc khảo sát môi trường đầu tư, kinh doanh tại thành phố Đà Nẵng của công ty.

Ngày 16/01/2024, Công ty Marvell đã đến thăm và làm việc với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng nhằm tìm hiểu về thực trạng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Trường, phục vụ việc khảo sát môi trường đầu tư, kinh doanh tại thành phố Đà Nẵng của công ty.
Tham dự buổi làm việc có: ông Lê Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng; ông Lợi Nguyễn – Phó Chủ tịch điều hành và bà Molly Barber – Giám đốc cấp cao Marvell toàn cầu; ông Lê Quang Đạm – Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam; về phía lãnh đạo nhà trường có: PGS. TS. Phan Cao Thọ – Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Linh Nam – Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Thị Khánh Hồng – Trưởng phòng Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục; ThS. Nguyễn Tấn Hòa – Trưởng phòng Phòng Công tác sinh viên; TS. Trần Hoàng Vũ – Trưởng khoa và ThS. Phạm Văn Phát – Phó Trưởng khoa Khoa Điện – Điện tử; TS. Nguyễn Minh Tiến – Phụ trách Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế.

_MG_7166.JPG

Toàn cảnh buổi làm việc

Công ty Marvell (gọi tắt là Marvell) ra đời vào năm 1995, hiện là một trong những tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về thiết kế vi mạch bán dẫn và cung cấp cơ sở hạ tầng dữ liệu, lọt top 25 công ty lớn nhất trong lĩnh vực này. Giá trị vốn hóa thị trường của công ty rơi vào khoảng 48,18 tỷ USD.
Tại Việt Nam, Marvell đã hoạt động kể từ năm 2013. Marvell Việt Nam hiện có 02 văn phòng ở tại thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 300 nhân viên. Tháng 05/2023, Marvell công bố kế hoạch thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại thành phố Hồ Chí Minh. Với trung tâm R&D mới này, Marvell Việt Nam trở thành một trong bốn trung tâm mang tầm thế giới của Marvell (cùng với 03 trung tâm ở Mỹ, Ấn Độ và Israel). Dự kiến, công ty sẽ nghiên cứu mở văn phòng tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến.
Mở đầu buổi làm việc, TS. Nguyễn Linh Nam đã giới thiệu sơ bộ về Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật và một số định hướng ngắn hạn và trung hạn liên quan đến đào tạo và phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn của nhà trường trong thời gian tới.
Các ngành đào tạo liên quan đến công nghệ vi mạch bán dẫn chủ yếu tập trung tại các bộ môn của Khoa Điện – Điện tử, trong đó có ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông, đây là ngành mà nhà trường đang triển khai đề án mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch cũng như xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ về IoT và vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, còn có Khoa Công nghệ số với ngành Công nghệ thông tin và Khoa Cơ khí với ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử, là các ngành gần mà các sinh viên có thể chuyển đổi và phù hợp với chuyên ngành Thiết kế vi mạch.
TS. Nguyễn Linh Nam cho biết: hiện tại, nhà trường hoàn toàn có thể đáp ứng được những vấn đề cơ bản về đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch và bày tỏ mong muốn sẽ nhận được sự hợp tác, hỗ trợ và tư vấn từ các doanh nghiệp nói chung và Công ty Marvell nói riêng đối với những vấn đề chuyên sâu hơn.

_MG_7163.JPG

TS. Nguyễn Linh Nam phát biểu

PGS. TS. Phan Cao Thọ chia sẻ: Hiện tại, Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng rất chú trọng vào việc phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn, vì vậy việc đào tạo và phát triển ngành này đang nhận được những chính sách hỗ trợ hết sức tích cực.

_MG_7170.1JPG.JPG

PGS. TS. Phan Cao Thọ phát biểu

Tại buổi làm việc, ông Lợi Nguyễn đã đưa ra những câu hỏi nhằm hiểu rõ hơn về thực trạng và tiềm năng của nhà trường trong việc đào tạo và phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn.

_MG_7169.JPG

Ông Lợi Nguyễn trao đổi

Qua phần trao đổi, nhà trường đã bày tỏ mong muốn được hợp tác Marvell và nhận được những hỗ trợ về cơ sở vật chất; xây dựng chương trình đào tạo; tham gia vào quá trình giảng dạy; tiếp nhận sinh viên thực tập; hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp…
Ông Lê Hoàng Phúc cho biết thêm: UBND thành phố Đà Nẵng vừa quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng theo Quyết định số 2941/QĐ-UBND ngày 29-12-2023. Bên cạnh đó, hiện tại thành phố đang thành lập một liên minh dự kiến gồm 05 trường đại học trên địa bàn liên quan đến việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực thiết kế vi mạch. Trong thời gian tới, các giảng viên có nguyện vọng và năng lực của các trường trong liên minh sẽ được đào tạo về thiết kế vi mạch và cấp chứng chỉ quốc tế theo chương trình của Công ty Synopsys. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ có những hỗ trợ về cơ sở vật chất để cùng các trường đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này.

_MG_7174.JPG

Ông Lê Hoàng Phúc phát biểu

Các bên đã có những trao đổi hết sức tích cực, chi tiết và hiệu quả, mở ra nhiều hướng hỗ trợ cũng như các cơ hội hợp tác nhằm phát triển, đào tạo ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, góp phần phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên và cả nước.

_MG_7179.JPG

Các thành viên dự họp chụp ảnh lưu niệm

TRUNG TÂM HỌC LIỆU VÀ TRUYỀN THÔNG

Các bài khác...