Sidebar

Những điểm mới của Luật Công đoàn doanh nghiệp cần lưu ý

(NLĐO) - Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn 2024, sẽ thay thế Luật Công đoàn 2012 hiện hành.

Luật Công đoàn 2024 gồm 6 chương, 37 điều quy định về gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với Công đoàn...

1. Bổ sung quy định lao động người nước ngoài được gia nhập Công đoàn Việt Nam
Theo quy định hiện hành tại điểm a, khoản 3.2 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020, người nước ngoài lao động tại Việt Nam không được tham gia vào tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Tuy nhiên, Điều 5 Luật Công đoàn 2024 quy định việc gia nhập và hoạt động Công đoàn được áp dụng với các đối tượng sau:

(1) Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn.

(2) Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động Công đoàn tại Công đoàn cơ sở.

(3) Việc thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật Công đoàn 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, so với quy định cũ thì Luật Công đoàn 2024 đã bổ sung quy định lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động Công đoàn tại Công đoàn cơ sở.

Ngoài ra, người lao động Việt Nam làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam vẫn có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn.

2. Quy định chặt chẽ về gia nhập Công đoàn 
Về việc gia nhập Công đoàn của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp hiện nay chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục thành lập hoặc giải thể tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Theo đó, tại Điều 6 Luật Công đoàn 2024 đã quy định các điều kiện chặt chẽ về hồ sơ gia nhập, trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam; trách nhiệm, hệ quả pháp lý khi gia nhập Công đoàn Việt Nam và giao Tổng LĐLĐ Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Theo khoản 1 Điều 6 Luật Công đoàn 2024, hồ sơ gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gồm:

- Văn bản đề nghị gia nhập Công đoàn Việt Nam;

- Bản sao các văn bản thể hiện tính hợp pháp của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp;

- Văn bản thể hiện việc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp quyết định gia nhập Công đoàn Việt Nam; thể thức thông qua quyết định gia nhập Công đoàn Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động;

- Danh sách có chữ ký của thành viên tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam;

- Văn bản, thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc giải quyết các quyền, nghĩa vụ của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và thành viên của tổ chức mình có liên quan đến tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp;

(Trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 6 Luật Công đoàn 2024).

3. Duy trì mức đóng kinh phí Công đoàn là 2%
Điểm đáng chú ý về tài chính Công đoàn, tại Điều 29 Luật Công đoàn 2024 vẫn quy định kinh phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng là 2%.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, được thực hiện ổn định và phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm điều kiện vật chất cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, chăm lo tốt hơn cho người lao động.

4. Miễn, giảm, tạm dừng đóng phí Công đoàn nếu doanh nghiệp gặp khó khăn
Đây là nội dung mới được bổ sung tại khoản 2 Điều 30 Luật Công đoàn 2024, doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được xem xét giảm mức đóng kinh phí Công đoàn thì được giảm mức đóng kinh phí Công đoàn từ 1-7-2025.

Ngoài ra, trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất - kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí Công đoàn thì được xem xét tạm dừng đóng kinh phí Công đoàn trong thời gian không quá 12 tháng.

Điểm mới này có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ và tạo động lực cho người lao động và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định sản xuất và duy trì việc làm.

5. Bổ sung quy định về việc giám sát của Công đoàn
Tại Điều 16 Luật Công đoàn 2024 đã bổ sung quy định về hoạt động chủ trì giám sát của Công đoàn. Theo đó, có 4 hình thức thực hiện giám sát:

- Nghiên cứu, xem xét văn bản, báo cáo của người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát;

- Thông qua đối thoại với người sử dụng lao động, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở;

- Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước;

- Tổ chức đoàn giám sát.

Trước và trong quá trình giám sát, doanh nghiệp được:

- Quyền:

Được thông báo trước về nội dung, kế hoạch giám sát;

Được trao đổi, làm rõ về các nội dung giám sát thuộc phạm vi trách nhiệm của mình;

Được kiến nghị xem xét lại kết quả giám sát, kiến nghị sau giám sát khi cần thiết;

Thực hiện kiến nghị sau giám sát.

- Trách nhiệm:

Bố trí thời gian, địa điểm, thành phần làm việc theo yêu cầu của đoàn giám sát;

Thực hiện theo yêu cầu:

(i) báo cáo bằng văn bản hoặc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát;

(ii) làm rõ những vấn đề cần thiết qua giám sát;

(iii) áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước;

(iv) xem xét trách nhiệm khi đơn vị có hành vi vi phạm pháp

Trên đây là nội dung về 5 điểm mới tại Luật Công đoàn doanh nghiệp cần chú ý.

Hồng Đào (Báo Người lao động)

Các bài khác...