Sidebar

Đưa nghiên cứu khoa học vào cuộc sống

Nghiên cứu khoa học không chỉ giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận lĩnh vực chuyên môn yêu thích, mà còn tạo cho họ tác phong làm việc khoa học và nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Từ việc vận dụng những kiến thức đã học ở trường, sinh viên có thể tham gia giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống bằng năng lực và tư duy sáng tạo của mình.

Nghiên cứu khoa học không chỉ giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận lĩnh vực chuyên môn yêu thích, mà còn tạo cho họ tác phong làm việc khoa học và nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Từ việc vận dụng những kiến thức đã học ở trường, sinh viên có thể tham gia giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống bằng năng lực và tư duy sáng tạo của mình.

Bảo vệ môi trường từ nguồn năng lượng truyền thống

Với lĩnh vực chuyên môn Công nghệ kỹ thuật ô-tô, nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) nhận thấy tiềm năng của công nghệ lưu trữ hydrogen rắn trong việc góp phần xây dựng các đô thị thông minh, nơi việc quản lý năng lượng hiệu quả là vô cùng quan trọng. Nhóm nghiên cứu tìm hiểu sâu về các loại vật liệu có khả năng lưu trữ hydrogen dưới dạng rắn, đặc biệt là các hợp kim kim loại có khả năng hấp thụ và giải phóng hydrogen một cách hiệu quả.

IMG_2054.JPG

Sinh viên Võ Dư Định cùng nhóm nghiên cứu của mình kiểm tra lại hoạt động của Công nghệ lưu trữ hydrogen rắn sau khi chế tạo. 

Giải thích về lý do chọn đề tài “Công nghệ lưu trữ hydrogen rắn trong đô thị thông minh”, sinh viên Võ Dư Định, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, công nghệ lưu trữ hydrogen rắn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường đô thị bằng cách giảm thiểu khí thải ô nhiễm từ các nguồn năng lượng truyền thống. Hydrogen là nguồn năng lượng sạch, khi được sử dụng không tạo ra khí thải độc hại, từ đó góp phần làm giảm ô nhiễm không khí.

Gặp không ít khó khăn nhưng bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học và cùng chung mục tiêu hướng đến thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong xu thế hiện nay, Võ Dư Định và các thành viên trong nhóm không ngừng nỗ lực để có kết quả nghiên cứu tốt nhất. Thông qua việc thực hiện đề tài đã giúp nhóm mở mang nhiều kiến thức, phát triển khả năng tư duy phản biện khi làm việc nhóm, phát triển kỹ năng nghiên cứu tìm tài liệu, nâng cao kỹ năng thiết kế, tư duy logic và rèn luyện cho bản thân tính kỹ luật cao.

Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, vật liệu lưu trữ hydrogen rắn bằng hợp chất MgH2 được thử nghiệm có khả năng hoạt động hiệu quả với hiệu suất tối ưu trong việc lưu trữ và giải phóng hydrogen. Công nghệ này không chỉ bảo đảm cơ bản mức độ an toàn và ổn định trong môi trường đô thị mà còn mở ra nhiều cơ hội ứng dụng trong các hệ thống quản lý năng lượng và phương tiện giao thông xanh. Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng, với những kết quả đạt được, công nghệ lưu trữ hydrogen rắn sẽ tiếp tục được nghiên cứu và phát triển sâu hơn, trở thành một phần quan trọng trong việc xây dựng các đô thị thông minh và bền vững trong tương lai.

Hướng đến trẻ khuyết tật

Trong khi nhóm nghiên cứu của Võ Dư Định quan tâm đến việc bảo vệ môi trường ở đô thị thì nhóm sinh viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) lại hướng đến những giá trị nhân văn khi chế tạo máy in chữ nổi dùng trong việc chuyển đổi sách giáo khoa và tài liệu dạy học cho học sinh khiếm thị.

Chia sẻ về việc chọn đề tài này, sinh viên Lê Thanh Trúc, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, đề tài được triển khai từ tháng 8-2023 đến tháng 4-2024. Khi liên hệ với Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng thì được biết trung tâm đang cần in chữ nổi nhưng máy sắp hư hỏng. Nếu mua mới phải mất 300 đến 500 triệu đồng. Từ đó, nhóm quyết định thực hiện đề tài nhằm tìm ra giải pháp hỗ trợ học sinh khiếm thị. “Việc tìm mua thiết bị ở nước ngoài rất đắt đỏ, nên nhóm phải tự chế tạo lại sao cho phù hợp. Chẳng hạn như không có mũi kim thanh sắt chuẩn của chữ nổi thì nhóm tự chế. Hay bộ truyền động dùng thanh lăn thì phải quấn thêm giấy nhám để có thể đẩy giấy đi thuận tiện”, Lê Thanh Trúc cho biết.

Sinh viên Đinh Thị Mai Chi, thành viên nhóm cũng cho rằng, để có nguyên liệu chế tạo máy in chữ nổi, nhóm phải bỏ nhiều thời gian tìm tới các quán chuyên bán đồ điện tử để nhờ chủ quán tìm cái tương tự, sau đó đem về tự chế lại cho phù hợp. Đặc biệt là khi chế tạo đầu in. Do đầu in tù quá không tạo được bề nổi nên trong quá trình làm, nhóm mất thời gian thay đổi nhiều loại giấy cho phù hợp với đầu in hơn. Ban đầu máy in còn phát ra tiếng ồn và nhóm đã điều chỉnh giảm tiếng ồn xuống. Sau khi chế tạo, máy thực hiện chuyển được tiếng Việt và một số ký hiệu khác.

Công việc nghiên cứu tốn khá nhiều thời gian và công sức nhưng đã giúp nhóm có cơ hội tiếp xúc với mảng kỹ thuật và lập trình, điều này sẽ giúp ích cho nhóm trong quá trình dạy học sau này. Bên cạnh đó, nhóm còn được chia sẻ khó khăn với các em học sinh khiếm thị và thầy cô tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Qua khảo sát, thiết bị máy in chữ nổi nhận được phản hồi tích cực như tính thuận tiện, dễ sử dụng, âm thanh phát ra trong quá trình hoạt động khá dễ chịu. Thiết kế của máy in cũng được đánh giá là dễ dàng vệ sinh, thuận tiện sửa chữa và bảo trì khi có lỗi. Hầu hết các giáo viên cho rằng, máy in chữ nổi có tiềm năng để đưa vào sử dụng rộng rãi tại các trường học chuyên biệt.

Cùng với hai đề tài trên, nhiều sinh viên các trường đại học khác trên địa bàn thành phố cũng có nhiều đề tài nghiên cứu được giới chuyên môn đánh giá cao và đoạt nhiều giải thưởng của Đại học Đà Nẵng trong năm học 2023-2024. Điều này cho thấy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên đang ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt việc tổ chức các giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học trong nhà trường đã tạo sân chơi học thuật bổ ích cho sinh viên và góp phần đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào ứng dụng trong cuộc sống.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG
Xem chi tiết tại Báo Đà Nẵng Online

Các bài khác...