Ngày 10/12/2024 vừa qua, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng đã tổ chức Tọa đàm “STEM và nữ giới: khơi nguồn đổi mới sáng tạo” nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
Toàn cảnh Tọa đàm
Nội dung của Tọa đàm gây chú ý với hai báo cáo chuyên đề xoay quanh STEM và nữ giới, bao gồm: “STEM: ngành nghề của hiện tại, tương lai và cơ hội cho nữ giới” của TS. Đinh Thị Mỹ Hương – giảng viên Khoa Công nghệ Hóa học – Môi trường và “Vai trò của nữ giảng viên trong khơi nguồn sáng tạo STEM/STEAM cho thế hệ trẻ” của TS. Đỗ Hoàng Ngân Mi – giảng viên Khoa Điện – Điện tử.
STEM là thuật ngữ tiếng Anh được viết tắt từ bốn chữ: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Maths (Toán học).
Trong báo cáo chuyên đề “STEM: ngành nghề của hiện tại, tương lai và cơ hội cho nữ giới”, TS. Đinh Thị Mỹ Hương đã đưa ra các số liệu thống kê cho thấy sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực STEM hiện nay vẫn còn rất hạn chế: nữ giới chỉ chiếm 30% tỷ lệ nhà nghiên cứu khoa học trên toàn cầu; trong số 199 giải Nobel Vật lý, chỉ có 2 giải thuộc về nữ giới; tỷ lệ học sinh nữ đạt giải trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp trung học phổ thông chỉ chiếm 17%... Điều này phản ánh nhu cầu cấp thiết trong việc thúc đẩy và hỗ trợ phụ nữ tham gia vào các ngành nghề STEM.
Một vài số liệu về tỷ lệ nữ giới tham gia trong lĩnh vực STEM
Trên cơ sở đó, báo cáo đã nêu ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực STEM như: tăng cường giáo dục STEM cho nữ giới từ cấp trung học phổ thông; tạo cơ hội để nữ giới tiếp xúc với các hình mẫu thành công trong lĩnh vực STEM; xây dựng chính sách hỗ trợ và tạo cơ hội bình đẳng cho nữ giới trong lĩnh vực STEM; tạo điều kiện để nữ giới trong lĩnh vực STEM kết nối và hỗ trợ lẫn nhau.
“Tương lai của lĩnh vực STEM tại Việt Nam đang rất hứa hẹn với mục tiêu đưa tỷ lệ nữ giới trong lĩnh vực này tăng thêm 15% trong 5 năm tới. Thông qua việc tăng cường đầu tư vào giáo dục STEM từ cấp phổ thông, các chương trình mentoring và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chúng ta có thể tạo ra một thế hệ nữ lãnh đạo mới trong khoa học công nghệ, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực”, TS. Đinh Thị Mỹ Hương cho biết.
TS. Đinh Thị Mỹ Hương trình bày báo cáo
Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong thực tiễn. Hiện phương pháp này còn bổ sung thêm môn nghệ thuật (Art) với tên gọi STEAM.
Trong báo cáo chuyên đề “Vai trò của nữ giảng viên trong khơi nguồn sáng tạo STEM/STEAM cho thế hệ trẻ”, TS. Đỗ Hoàng Ngân Mi đã so sánh STEM/STEAM với một số phương pháp giáo dục khác như Reggio Emilia, Montessori, Steiner... và nhấn mạnh đây đều là những cách thức dạy học hiện đại, phổ biến trong các trường học tiên tiến trên thế giới; lấy người học làm chủ thể (trung tâm) của quá trình dạy học; khuyến khích trẻ tự lập, tự thực hành, trải nghiệm và sáng tạo theo cá tính riêng; chương trình học được thiết kế phù hợp với năng lực của người học, hướng đến mục tiêu chung là khai phá tối đa tiềm năng của cá nhân; đề cao việc phát triển toàn diện, giúp phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, trí thông minh và các kỹ năng xã hội cần thiết.
Đối với phương pháp giáo dục STEM/STEAM, TS. Đỗ Hoàng Ngân Mi đề cao vai trò của người dạy, đặc biệt là các nữ giảng viên trong việc hướng dẫn tích hợp kiến thức, khuyến khích sáng tạo và hợp tác nhóm, hướng đến mục tiêu đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy bình đẳng trong giáo dục.
TS. Đỗ Hoàng Ngân Mi trình bày báo cáo
Trên thực tế, các ngành kỹ thuật – công nghệ vốn được xem là trụ cột của sự phát triển kinh tế và công nghiệp hiện đại, vì vậy việc tỷ lệ nữ giới lựa chọn học tập, làm việc trong lĩnh vực STEM còn thấp không chỉ tác động trực tiếp đến thu nhập của phụ nữ mà còn hạn chế sự phát triển của kinh tế quốc gia.
Thông qua Tọa đàm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng mong muốn tạo ra một không gian trao đổi và thảo luận cởi mở, tìm kiếm những giải pháp tích cực nhằm thu hẹp khoảng cách về giới đang cản trở sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực STEM, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
TRUNG TÂM HỌC LIỆU VÀ TRUYỀN THÔNG