Sidebar

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên

Nhằm giúp sinh viên hào hứng với các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, một số trường đại học đã đưa vào chương trình đào tạo theo hình thức môn học tự chọn, các khóa học đào tạo ngắn hạn hoặc tổ chức các chương trình đào tạo đổi mới trong khởi nghiệp sinh viên. Từ đó, giúp sinh viên được trang bị công cụ đổi mới sáng tạo, áp dụng trong quá trình nghiên cứu và phát triển.

Nhằm giúp sinh viên hào hứng với các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, một số trường đại học đã đưa vào chương trình đào tạo theo hình thức môn học tự chọn, các khóa học đào tạo ngắn hạn hoặc tổ chức các chương trình đào tạo đổi mới trong khởi nghiệp sinh viên. Từ đó, giúp sinh viên được trang bị công cụ đổi mới sáng tạo, áp dụng trong quá trình nghiên cứu và phát triển.

Đề tài “Bộ hút cặn bẩn trong bồn chứa nước” của nhóm sinh viên Hồ Thị Thu Hằng, Nguyễn Thanh Phúc, Hoàng Anh Sơn, Huỳnh Quỳnh Anh, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) vừa giành giải khuyến khích tại “Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng năm 2024” do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức. Sinh viên Hồ Thị Thu Hằng, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, đề tài này cần phải làm thí nghiệm rất nhiều lần, nếu sinh viên tự làm không có phòng thí nghiệm, kết quả nghiên cứu không có tính sát thực.

Nhờ sự hỗ trợ của nhà trường, Khoa Môi trường, Khoa Cơ khí giao thông... về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm mà nhóm có thể thực hiện các thí nghiệm và khảo sát từng giai đoạn của đề tài. Theo đánh giá của Hằng, các phòng thí nghiệm của nhà trường được trang bị đầy đủ thiết bị dụng cụ cho hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm đã giúp sinh viên rất nhiều trong quá trình thực hành. Bên cạnh đó, sự theo sát của giảng viên hướng dẫn, trong quá trình thực hiện đã giúp nhóm hoàn thành mục tiêu đề ra. Hằng cho biết thêm, đề tài “Bộ hút cặn bẩn trong bồn chứa nước” đang được chạy thực nghiệm tại hai hộ gia đình. Sau khi đoạt giải tại các cuộc thi, nhóm vẫn tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm sao cho tối ưu nhất.

Là một trong 3 giảng viên hướng dẫn đề tài “Bộ hút cặn bẩn trong bồn chứa nước”, TS. Nguyễn Quang Như Quỳnh, giảng viên Trường Đại học Bách khoa cho rằng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên, nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó có cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường, các cuộc thi ý tưởng sáng tạo của Đoàn thanh niên… Từ những tiền đề này, sinh viên sẽ có ý tưởng, sản phẩm để tham gia các sân chơi có quy mô, tầm vóc lớn hơn.

Bên cạnh đó, các môn học “Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” hay “Khởi tạo doanh nghiệp” cũng được đưa vào giảng dạy chính quy ở một số khoa. Nhà trường tích hợp các nội dung khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo, đặc biệt trong các ngành công nghệ. Chương trình đào tạo khởi nghiệp được thiết kế linh hoạt, phù hợp với từng chuyên ngành, giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn, mà còn phát triển tư duy khởi nghiệp theo đúng chuyên môn theo học. Ngoài ra, nhà trường xây dựng các chương trình cố vấn, hệ thống tài liệu, cung cấp không gian làm việc và các nguồn lực cần thiết, hỗ trợ sinh viên trong quá trình triển khai và phát triển dự án khởi nghiệp, góp phần xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, năng động, hiệu quả ngay trong nhà trường.

Tham gia giảng dạy các môn liên quan khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, TS. Nguyễn Minh Tiến, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đánh giá, việc xây dựng và triển khai ý tưởng dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của sinh viên thường gặp phải nhiều “nút thắt”, đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ giảng viên và nhà trường. Đa phần sinh viên thiếu kinh nghiệm, kỹ năng thực tế, hạn chế về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất, chưa nắm vững quy trình pháp lý và thị trường, thiếu tự tin. Vì vậy, giảng viên đóng vai trò cố vấn trực tiếp, giúp sinh viên hoàn thiện ý tưởng, xác định mục tiêu và có kế hoạch hoàn thành mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, nhà trường tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu đối với các ý tưởng, đề tài. Những năm qua, nhà trường chú trọng, nâng cao chất lượng học tập và khả năng ứng dụng thực tế của sinh viên trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Các hoạt động này được triển khai theo nhiều hình thức, có thể là môn học chuyên đề được thiết kế riêng về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, cung cấp kiến thức nền, kỹ năng thực tiễn cho sinh viên như “Đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp”, “Kỹ năng lãnh đạo, quản lý”, “Kỹ năng làm việc nhóm”, hoặc “Quản lý dự án chuyên ngành”…

Slidebaogdvtd30122024IMG_1373.jpg

Hội nghị “Kết nối nguồn lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các dự án nghiên cứu khoa học công nghệ của Đại học Đà Nẵng” do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Kinh tế tổ chức

Để hỗ trợ thêm cho sinh viên, từ 2 năm trước, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đã thành lập và đưa vào hoạt động Viện Nghiên cứu sáng tạo và Khởi nghiệp. Nhiều đề tài, ý tưởng sát với thực tế và có tính ứng dụng trong đời sống của sinh viên được ươm mầm, nuôi dưỡng. ThS. Phạm Minh Mận, Phó Giám đốc phụ trách Viện Nghiên cứu sáng tạo và Khởi nghiệp cho hay, viện đã mời các chuyên gia về chia sẻ kinh nghiệm qua các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho các nhóm sinh viên đã có các sản phẩm, đề tài hay ý tưởng; tổ chức các hội thảo kết nối sinh viên với nhà đầu tư, phát triển các dự án tiềm năng để sinh viên có cơ hội tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho dự án.

Các bài khác...