Sidebar

Nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo, khởi nghiệp trong sinh viên

Không chỉ trở thành môn học chính khóa ở nhiều trường đại học (ĐH), khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngày càng lan tỏa mạnh mẽ đến sinh viên thông qua một số chương trình đào tạo, nuôi dưỡng niềm đam mê khởi nghiệp ở thế hệ trẻ.

Không chỉ trở thành môn học chính khóa ở nhiều trường đại học (ĐH), khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngày càng lan tỏa mạnh mẽ đến sinh viên thông qua một số chương trình đào tạo, nuôi dưỡng niềm đam mê khởi nghiệp ở thế hệ trẻ.

1111.jpg
Các sinh viên tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp

Đến từ tỉnh Quảng Bình, chàng sinh viên năm nhất ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), ĐH Đà Nẵng Nguyễn Đăng Đông Rạng luôn nỗ lực phấn đấu để thỏa đam mê công nghệ. Rạng chia sẻ, bố mất sớm, mẹ làm nông nuôi hai anh em ăn học; dù có nhiều khó khăn hơn các bạn cùng trang lứa nên có cơ hội được học tập là em đăng ký tham gia. Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn việc làm, du học tự túc (ĐH Đà Nẵng) tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp dành cho sinh viên hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, Rạng đã mạnh dạn đăng ký.

“Khóa học đã giúp em thấu hiểu bản thân, về các mục tiêu phát triển bền vững, quy trình xây dựng ý tưởng, các kỹ thuật cơ bản trong tư duy sáng tạo, kế hoạch phát triển sản phẩm… Lâu nay, cụm từ khởi nghiệp, sáng tạo được nghe khá nhiều nhưng đi sâu vào tìm hiểu em mới rõ được từ lý thuyết đến thực tiễn là khoảng cách khá xa. Với những khóa học như thế này, sinh viên được cung cấp những kiến thức nền, khơi dậy đam mê sáng tạo, khởi nghiệp và sau khi tốt nghiệp ra trường có tinh thần chủ động, sáng tạo trong công việc chứ không hẳn là phải làm chủ một doanh nghiệp”, Rạng chia sẻ.

Theo PGS.TS Dương Minh Quân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn việc làm, du học tự túc, từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai, trung tâm đã kết nối, phổ biến đến sinh viên các trường thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo đăng ký và tổ chức khóa đào tạo với hơn 120 sinh viên. Hiệu quả từ khóa đào tạo có thể thấy rõ nhất là truyền cảm hứng, kiến thức, công cụ để sinh viên biết cách tìm kiếm ý tưởng, vấn đề, xây dựng sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh, khởi nghiệp phù hợp...

“Cùng với kiến thức học trên giảng đường, chúng tôi muốn thông qua các chương trình đào tạo miễn phí này giúp các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hun đúc ý chí, ước mơ khởi nghiệp, có ích cho các em trên con đường tương lai sau này. Trung tâm sẽ tiếp tục làm cầu nối để các chương trình đào tạo, tập huấn đến với sinh viên nhiều hơn ”, PGS.TS Dương Minh Quân nói.

Bên cạnh các khóa đào tạo, hiện nay một số trường ĐH cũng đã đưa môn Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào giảng dạy. TS. Nguyễn Quang Như Quỳnh, giảng viên giảng dạy môn Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nhà tư vấn cho các dự án khởi nghiệp, đồng thời là đồng sáng lập Nền tảng nông nghiệp mở OAP (Open Agriculture Platform) chia sẻ, các môn học liên quan đến Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được giảng dạy trong chương trình đào tạo của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng).

“Chương trình đào tạo này là nền tảng giúp sinh viên có được các năng lực khởi nghiệp cơ bản, từ đó sinh viên sẽ được tiếp tục đào tạo, tư vấn thêm ở các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, câu lạc bộ khởi nghiệp. Sau đó, qua sàng lọc, chỉ những sinh viên đủ đam mê, năng lực tiếp tục có cơ hội tham gia vào các chương trình ươm tạo và tăng tốc phát triển khởi nghiệp”, TS Như Quỳnh chia sẻ.

Song song với đưa chương trình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào giảng dạy, các trường đã có sự hỗ trợ về tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như kết nối với các doanh nghiệp để chắp cánh cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên. PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cho biết, bên cạnh hỗ trợ kinh phí cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên từ nguồn quỹ nghiên cứu khoa học, nhà trường còn kết nối với Quỹ đầu tư khởi nghiệp Vintech City và Dự án Vi2W hỗ trợ cho Câu lạc bộ khởi nghiệp và không gian sáng chế của nhà trường để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên.

“Hỗ trợ khởi nghiệp trong sinh viên là một quá trình lâu dài, liên tục, đòi hỏi nhiều nỗ lực để tạo dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt trong các cơ sở giáo dục ĐH. Các trường cần xây dựng kế hoạch kết hợp doanh nghiệp để chuyển dự án khởi nghiệp của sinh viên thành một startup”, PGS.TS Phan Cao Thọ nói.

Các bài khác...