Sidebar

Nâng tầm các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp

Các trường đại học đóng vai trò then chốt trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ở các cấp độ, có tiềm năng ứng dụng thực tiễn, góp phần tạo ra các doanh nghiệp công nghệ. Để phát huy tiềm lực sẵn có, các trường đại học tăng cường hợp tác doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất và kinh doanh, nâng cao vai trò trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Các trường đại học đóng vai trò then chốt trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ở các cấp độ, có tiềm năng ứng dụng thực tiễn, góp phần tạo ra các doanh nghiệp công nghệ. Để phát huy tiềm lực sẵn có, các trường đại học tăng cường hợp tác doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất và kinh doanh, nâng cao vai trò trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

baodanang07012025.gif

Nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đoạt giải Nhất giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Đại học Đà Nẵng năm học 2023-2024 giới thiệu sản phẩm tại Festival Sáng tạo trẻ Đại học Đà Nẵng lần thứ VI. Ảnh: NGỌC HÀ

Khơi gợi tinh thần khởi nghiệp

Tính đến tháng 10-2024, thành phố có 32 cơ sở đào tạo từ bậc cao đẳng, đại học đến sau đại học. Hiện nay, 7 trường đại học thành viên, Viện nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh (VNUK) thuộc Đại học Đà Nẵng đều có không gian đổi mới sáng tạo, gồm: Không gian đổi mới sáng tạo - DUT maker innovation space (Trường Đại học Bách khoa); Không gian sáng tạo số - DUE-MB Digital Hub (Trường Đại học Kinh tế); Viện Nghiên cứu sáng tạo và khởi nghiệp (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật); Trung tâm Việc làm và đổi mới sáng tạo khởi nghiệp thuộc Cộng đồng Đại học Pháp ngữ (AUF) đặt tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật; Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt -  Hàn...

Chỉ tính riêng năm học 2024-2025, sinh viên Đại học Đà Nẵng gặt hái nhiều thành tích đáng khích lệ như: đoạt 4 giải thưởng cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học EURÉKA lần thứ 24; đoạt 12/15 giải tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng; giải nhất cuộc thi SV-Startup lần 5 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; có 2 nữ sinh viên đoạt giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2022; giải Quán quân cuộc thi mô phỏng kinh doanh Cesim Elite Việt Nam-2023; giải nhì hội thi Khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic kinh tế lượng và ứng dụng” lần thứ VIII năm 2023.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho biết, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được triển khai mạnh mẽ và toàn diện. Nhà trường đưa vào đào tạo chính quy học phần “Tư duy khởi nghiệp/Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” ở một số khoa; tập trung vào việc kết nối chặt chẽ giữa giảng viên, sinh viên và doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Đồng thời tạo cơ hội cho sinh viên trải nghiệm thực tế, tham gia các dự án khởi nghiệp và phát triển ý tưởng sáng tạo từ yêu cầu đặt hàng giải quyết vấn đề của các doanh nghiệp hay từ vấn đề của người dùng.

Theo PGS. TS. Võ Trung Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, nhà trường luôn quan tâm hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Đồng thời, đưa các môn học liên quan đến đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, nhằm trang bị kiến thức nền tảng cho sinh viên. “Nhà trường chú trọng phát triển mạng lưới hợp tác đại học - doanh nghiệp - Nhà nước để phục vụ công tác đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Chúng tôi được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt triển khai đề án 844 với đề tài “Hỗ trợ nâng cao năng lực của cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu về đào tạo, truyền thông, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; Cộng đồng Đại học Pháp ngữ (AUF) cấp 10.000 EUR/năm để triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo cho sinh viên”, PGS. TS. Võ Trung Hùng cho biết.

Tạo “mắc xích” trong hệ sinh thái khởi nghiệp

Theo PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, các trường đại học cần thiết lập một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các hoạt động thiết thực, tạo nền tảng và hỗ trợ mạnh mẽ cho sinh viên phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Nhà trường đã ký kết hợp tác với hơn 50 doanh nghiệp lớn như LG Electronics, FPT Telecom và TMA Solutions; phối hợp chặt chẽ tổ chức PUM (Programma Uitzending Managers) của Hà Lan trong xây dựng và hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, đào tạo, huấn luyện giảng viên và sinh viên tham gia tích cực vào môi trường khởi nghiệp ngay từ khi còn trong trường đại học.

Giải pháp mở rộng kinh doanh theo mô hình công ty trong trường đại học cũng được các nhà quản lý giáo dục đại học đề cập. PGS. TS. Võ Trung Hùng cho rằng, cần tăng cường hoạt động nghiên cứu ứng dụng để tạo ra các sản phẩm có thể khởi sự kinh doanh; phối hợp tốt hơn nữa với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để hỗ trợ kịp thời sinh viên, giảng viên khi có nhu cầu khởi nghiệp; hình thành và phát triển không gian khởi nghiệp trong trường đến khi đủ điều kiện sẽ mở rộng kinh doanh theo mô hình công ty. Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng phát huy vai trò là cầu nối chiến lược giữa các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong trường đại học được quan niệm xuất phát từ những điều rất nhỏ, có thể khởi nguồn từ các CLB sinh viên nghiên cứu khoa học đang được triển khai rất hiệu quả trong nhà trường. Hệ sinh thái không cần thiết có quy mô lớn ngay từ đầu, mà quan trọng có nơi để các thế hệ sinh viên có thể hoạt động, duy trì giao lưu giữa các khóa, kết nối các ý tưởng. Từ các đề tài nghiên cứu khoa học thực sự có ý nghĩa, nhà trường hỗ trợ hoặc kêu gọi hỗ trợ từ các doanh nghiệp đối tác, đồng thời tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu mượn địa điểm trong trường để tiếp tục nghiên cứu ngay cả khi đã tốt nghiệp nhằm tạo nên các start-up, duy trì hoạt động, tránh các đề tài được thực hiện giữa chừng như hiện nay.

Đại học Đà Nẵng và các trường đại học thành viên, đơn vị thuộc, trực thuộc có nguồn lực tri thức lớn có thể góp phần vào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của thành phố. Chỉ tính riêng năm 2023, Đại học Đà Nẵng thực hiện hơn 100 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, công bố hơn 500 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế (WoS, Scopus, tăng 8% so với năm trước); chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm nghiên cứu cho các địa phương, doanh nghiệp và phục vụ cộng đồng với tổng kinh phí đạt gần 70 tỷ đồng...

​​​​​​​Theo PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, với vai trò một trong 3 đại học trọng điểm quốc gia, Đại học Đà Nẵng ý thức rất rõ vai trò trong việc đóng góp phát triển khu vực và cả nước, mà trọng điểm là các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Thời gian tới, Đại học Đà Nẵng đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương, phát triển vùng và đất nước; tích cực nhân rộng các kết quả, mô hình nghiên cứu, tham vấn, đóng góp trí tuệ của đội ngũ trí thức phục vụ phát triển thành phố như tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa Đà Nẵng phấn đấu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đô thị thông minh.

Các bài khác...