Sidebar

CLB khối sư phạm kỹ thuật tổ chức tọa đàm hợp tác quốc tế trong đào tạo và NCKH

GDVN - Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học là xu thế tất yếu đối với các trường đại học.

GDVN - Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học là xu thế tất yếu đối với các trường đại học.
Ngày 22/3/2024, tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Câu lạc bộ khối Sư phạm Kỹ thuật thuộc Hiệp hội Các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học sư phạm kỹ thuật”.

Về phía khách mời tham dự toạ đàm có ông Trần Ngọc Túy - Chánh văn phòng Đảng - Đoàn thể, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Về phía câu lạc bộ khối Sư phạm Kỹ thuật có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Trung Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Chủ nhiệm câu lạc bộ cùng một số chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng và lãnh đạo các phòng đến từ trường đại học là thành viên câu lạc bộ.

h1.jpg

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Trung Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Chủ nhiệm câu lạc bộ.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Trung Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Chủ nhiệm câu lạc bộ khối Sư phạm Kỹ thuật chia sẻ, nằm trong chương trình công tác, hôm nay câu lạc bộ tổ chức buổi tọa đàm về hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các trường sư phạm kỹ thuật.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Trung Thành cũng nhấn mạnh, đối với giáo dục đại học trong những năm vừa qua, nhờ xu thế tự chủ đã có sự vươn lên vượt bậc. Tuy nhiên, lĩnh vực hợp tác quốc tế của chúng ta so với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới còn khiêm tốn, số du học sinh đến Việt Nam học tập chưa nhiều - số lượng sinh viên chưa tương xứng với mong muốn của các trường. Do đó, cần thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các trường.

Chúng ta có thể hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực như trao đổi sinh viên, các chương trình liên kết đào tạo hay tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, khai thác nguồn lực từ nước ngoài...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Trung Thành bày tỏ mong muốn, các trường chia sẻ bài học kinh nghiệm, bài học thành công hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như nêu những khó khăn, vướng mắc và tìm ra các giải pháp để đẩy mạnh công tác này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Hùng Phi - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long phát biểu chào mừng tọa đàm. Thầy Phi vui mừng chia sẻ một số dấu ấn về cơ sở vật chất, công tác cán bộ cũng như hoạt động đẩy mạnh hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng đào tạo hội nhập và phát triển của đơn vị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Hùng Phi bày tỏ mong muốn thông qua tọa đàm, các trường đại học khối sư phạm kỹ thuật sẽ cùng nhau chia sẻ phương pháp giảng dạy, kinh nghiệm... để cùng phát triển.

h2.jpg

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Hùng Phi - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long.

Trong khuôn khổ tọa đàm, đại diện các trường đại học câu lạc bộ khối Sư phạm Kỹ thuật đã trình bày các tham luận, có 6 nội dung như sau:

Tham luận 1: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập và phát triển - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Hùng Phi - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long trình bày.

Thầy Phi khẳng định, xu hướng hội nhập, hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng và phát huy tác dụng. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục nghề nghiệp với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Thị trường lao động Việt Nam phát triển mạnh mẽ, xuất khẩu lao động nước ngoài.

"Các cơ sở giáo dục đại học đã và đang không ngừng tìm kiếm những hướng đi thích hợp, hội nhập quốc tế - liên kết doanh nghiệp để cập nhật nhanh chóng những xu thế mới, tri thức mới trong quá trình đào tạo của các trường", thầy Phi nhấn mạnh.

h3.jpg

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Ảnh chụp màn hình.

Bên cạnh đó, thầy Phi cũng nêu ra những lợi ích hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nêu lên một số khó khăn trong hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học:

Thứ nhất, hợp tác đại học - doanh nghiệp thời gian vừa qua còn mang tính ngắn hạn.

Thứ hai, hợp tác trong nghiên cứu khoa học và công nghệ còn hạn chế và chưa theo kịp xu thế của thế giới

Thứ ba, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đã đạt những kết quả nhất định nhưng còn chưa chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động hợp tác và đầu tư trong giáo dục còn đơn lẻ, chưa tạo sự đột phá trong toàn hệ thống. Đầu tư của nước ngoài vào giáo dục còn chiếm tỉ lệ nhỏ so với các ngành kinh tế xã hội của Việt Nam.

Bên cạnh đó, thầy Phi cũng đưa ra một số giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề hợp tác quốc tế trong đào tạo.

Tham luận 2: Khuôn khổ, chiến lược để cải thiện hiệu suất và xếp hạng trường đại học - Tiến sĩ Vũ Hồng Sơn, Phụ trách phòng Quản lý khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên trình bày .

Thầy Sơn cho rằng, xếp hạng đại học cho chúng ta cái nhìn toàn diện để biết được những điểm mạnh, điểm yếu, từ đó giúp trường đại học cải thiện các chỉ số. Đây là cách tiếp cận rất bền vững giúp các trường định hướng nguồn nhân lực cũng như các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và sự hài lòng của sinh viên...

h4.jpg

Tiến sĩ Vũ Hồng Sơn giới thiệu một số bảng xếp hạng đại học trên thế giới. Ảnh chụp màn hình.

Thầy Sơn nhấn mạnh: "Với những nỗ lực không ngừng, năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên được xếp ở vị trí thứ 25 trong bảng xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam do Webometrics công bố. Năm 2018, nhà trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Năm 2020, nhà trường được công nhận đạt chuẩn xếp hạng UPM 4 sao theo hệ thống tiêu chí đối sánh chất lượng cơ sở giáo dục đại học...".

Thầy Sơn chia sẻ, để cải thiện các chỉ số xếp hạng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tập trung vào các nghiên cứu khoa học có yếu tố quốc tế, các chương trình liên kết và đặc biệt là các công bố quốc tế. Nhà trường cũng chú trọng triển khai nhiều biện pháp tăng cường hợp tác và phát triển các đối tác quốc tế.

Tiến sĩ Vũ Hồng Sơn cũng kết luận, để cải thiện các chỉ số xếp hạng đại học, các trường cần có các giải pháp tổng hòa và cân bằng hài hòa lợi ích giữa các bên: đầu ra sinh viên, nhà tuyển dụng, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ giảng viên.

Tham luận 3: Phương hướng và nội dung hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu tại các trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Việt Nam - Thạc sĩ Phạm Bạch Dương, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trình bày.

h5.jpg

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện liên kết đào tạo quốc tế. Ảnh chụp màn hình.

Thầy Dương khẳng định, hợp tác đào tạo quốc tế là một phần quan trọng trong triết lý giáo dục Hội nhập của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh những thuận lợi trong hợp tác quốc tế, thầy Dương cũng nêu ra một số điểm khó khăn, hạn chế về nguồn lực; thiếu năng lực ngôn ngữ; cạnh tranh từ các trường khác; thách thức về quản lý và đánh giá chất lượng; tình hình thế giới nhiều biến động; khó khăn trong tuyển dụng giảng viên nước ngoài; thủ tục pháp lý...

Về định hướng trong thời gian tới, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa mối quan hệ hợp tác; tăng cường năng lực ngôn ngữ và văn hóa; tăng cường trải nghiệm quốc tế cho cả giảng viên và sinh viên; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ; tiếp tục tham gia xếp hạng đại học; Xây dựng môi trường học tập quốc tế chất lượng...

Tham luận 4: Hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học tại Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Nam Định - Tiến sĩ Ngô Thanh Bình – Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Nam Định, trình bày.

Thầy Bình chia sẻ, hợp tác quốc tế mang lại những thay đổi căn bản cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các trường đại học, đặc biệt là các Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật.

Về khó khăn, thách thức trong hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học, thầy Bình nhìn nhận, thị trường giáo dục đại học ở Việt Nam đang mở cửa hơn, với sự tham gia của các đại học nước ngoài, tạo ra sự cạnh tranh ngày càng lớn; các trường phải cạnh tranh không chỉ bằng học phí mà quan trọng hơn là chất lượng đào tạo và chất lượng cung ứng các dịch vụ. Hoạt động nghiên cứu khoa học chưa tiếp cận được thực tế dẫn đến khó thu hút được sự tài trợ kinh phí từ các nguồn nước ngoài như dự án, đề án, hiệp định. Bên cạnh đó là rào cản về ngôn ngữ vì khả năng ngoại ngữ của giảng viên, sinh viên còn hạn chế, đặc biệt là đối với những đơn vị hợp tác đến từ các nước không sử dụng tiếng Anh.

Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định cũng đưa ra một số giải pháp nâng cao về hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Tham luận 5: Tăng cường hỗ trợ sinh viên quốc tế - giải pháp thu hút người học tại Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật Vinh - Tiến sĩ Lê Khắc Bình, Trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, trình bày.

h6.jpg

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh hợp tác đào tạo lưu học sinh. Ảnh chụp màn hình.

Thầy Bình khẳng định, hoạt động đào tạo quốc tế đang là xu hướng chung và được xúc tiến mạnh mẽ tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. Hiện nay, nhà trường đang thực hiện các hoạt động hợp tác đào tạo giáo dục quốc tế để thúc đẩy và phát triển về chất và lượng trong giáo dục, tiếp cận các chuẩn mực giáo dục hiện đại, tham gia đào tạo nhân lực khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, trong hoạt động đào tạo hợp tác quốc tế tại trường vẫn chưa có sự đa dạng về quốc tịch và hạn chế về số lượng, nhà trường mới chỉ thực hiện hợp tác đào tạo sinh viên nước bạn Lào, hỗ trợ Lào trong phát triển nguồn nhân lực.

Đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh cũng đề xuất một số giải pháp nhằm thu hút sinh viên quốc tế trong thời gian tới. Đó là: Tăng cường hỗ trợ ngôn ngữ cho lưu học sinh với hình thức sinh hoạt câu lạc bộ; tăng cường hỗ trợ về học tập với hình thức sinh viên Việt Nam kèm lưu học sinh Lào; hỗ trợ sinh viên quốc tế tăng cường kết nối với định hướng văn hóa và xã hội địa phương; tăng cường hỗ trợ về tài chính khuyến khích học tập. Đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động tạo nhiều sân chơi cho lưu học sinh.

Tham luận 6: Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học thông qua chương trình Erasmus+ - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Trung Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng, trình bày.

Mục tiêu của chương trình Erasmus+ được thực hiện thông qua 3 hoạt động chính. Đó là trao đổi học thuật; phát triển hợp tác giữa các tổ chức, đại học; hỗ trợ phát triển chính sách và phát triển.

Theo thầy Hùng, hợp tác quốc tế có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao vị thế, ảnh hưởng, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, quản trị đại học. Trong thời gian qua, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng đã chủ động, tích cực và đầu tư cho hoạt động hợp tác quốc tế. Đặc biệt, Nhà trường đã tham gia nhiều dự án quốc tế, trong đó có các dự án Erasmus+.

Trong phần trình bày tham luận tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Trung Hùng cũng giới thiệu kinh nghiệm triển khai các dự án thuộc chương trình Erasmus+. Trong những năm qua, các dự án này đã góp phần quan trọng vào việc phát triển toàn diện của nhà trường.

h7.jpg

Thầy Hùng cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc triển khai như các thủ tục hành chính (xin phép, báo cáo, quản lý tài chính,…) ở Việt Nam còn quá phức tạp và khó khăn; một số quy định của châu Âu và Việt Nam còn khác nhau, ví dụ như về xử lý thuế VAT, kiểm toán dự án,…; Bên cạnh đó, năng lực về tìm kiếm, quản lý dự án của nhà trường vẫn còn hạn chế.

Tháng 5/2024, Hiệp hội tổ chức hội thảo “cao đẳng – Thực trạng và giải pháp”
Tháng 5/2024, Hiệp hội tổ chức hội thảo “cao đẳng – Thực trạng và giải pháp”
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Trung Hùng đề xuất hợp tác giữa các trường đại học sư phạm kỹ thuật để cùng triển khai Chương trình Erasmus+.

Sau khi kết thúc các phần tham luận, các đại biểu tham dự có tham gia thảo luận các vấn đề liên quan. Một số câu hỏi được đưa ra thảo luận tại buổi tọa đàm như khó khăn về vấn đề hợp tác, đào tạo lưu học sinh; nâng cao chuẩn ngoại ngữ cho sinh viên theo học các chương trình liên kết quốc tế; chuyển đổi số trong hợp tác quốc tế, nâng cao đội ngũ, chương trình đào tạo...

Trong khuôn khổ tọa đàm, các cá nhân, lãnh đạo các trường đại học có nhiều đóng góp, cống hiến cũng nhận được bằng khen, kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục đại học, cao đẳng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Trung Thành cũng trao cờ cho đơn vị đăng cai hội nghị tiếp theo là Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hồ Chí Minh.

Một số hình ảnh khác trong tọa đàm “Hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học sư phạm kỹ thuật”:

h8.jpg

h9.jpg

h10.jpg

Các bài khác...