Sidebar

Nghiên cứu có địa chỉ: Đòn bẩy tăng nguồn thu ngoài học phí

GD&TĐ - Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

GD&TĐ - Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

1.png

Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) trao đổi với doanh nghiệp Veron về hợp tác đào tạo bán dẫn và chuyển giao công nghệ. Ảnh: NVCC

Kết nối sản phẩm nghiên cứu với địa chỉ ứng dụng được xem là cách để các trường đại học cân đối nguồn thu.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng): Chủ động tìm kiếm, tiếp cận hiệu quả các nguồn quỹ khoa học và công nghệ

2.jpg

PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu.

Về mặt chiến lược, một cơ sở giáo dục có nền tảng nghiên cứu vững chắc thường dễ thu hút sinh viên giỏi, quỹ tài trợ và đối tác hợp tác quốc tế.
Ngược lại, khi nghiên cứu khoa học chưa được đầu tư đúng mức, trường sẽ gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp, tổ chức tài trợ và mở rộng hợp tác nghiên cứu. Điều này dẫn đến vòng luẩn quẩn: Thiếu kinh phí khiến nghiên cứu khoa học hạn chế kéo theo xếp hạng thấp, khó thu hút nguồn lực nên tiếp tục phụ thuộc vào học phí.

Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) có thế mạnh trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học cơ bản, đặc biệt nghiên cứu giáo dục, đào tạo giáo viên và phát triển phục vụ cộng đồng.

Đây là lợi thế quan trọng trong việc thực hiện các nghiên cứu có địa chỉ chuyển giao, vì kết quả nghiên cứu không chỉ được ứng dụng trực tiếp vào hệ thống giáo dục, chính sách phát triển xã hội, mà còn đóng vai trò quan trọng trong bồi dưỡng giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy và xây dựng chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn.

Bên cạnh đó, nhà trường có mạng lưới hợp tác chặt chẽ với sở GD&ĐT, trường phổ thông và cơ quan quản lý giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy và quản lý. Điều này giúp các nghiên cứu của trường không chỉ mang tính học thuật mà còn có giá trị thực tiễn cao, hỗ trợ trực tiếp cho công tác đổi mới giáo dục và phát triển cộng đồng.

Tuy nhiên, việc chuyển giao nghiên cứu trong khoa học xã hội và khoa học cơ bản gặp một số thách thức: Khả năng thương mại hóa thấp so với các ngành công nghệ và kỹ thuật, nghiên cứu trong các lĩnh vực này khó thu hút đầu tư từ doanh nghiệp vì không mang lại lợi ích kinh tế tức thời; để đánh giá hiệu quả dài hạn:

Các nghiên cứu về giáo dục, xã hội thường cần thời gian để kiểm chứng tác động, trong khi nhiều đơn vị đối tác kỳ vọng kết quả có thể ứng dụng ngay lập tức; hạn chế nguồn tài trợ: Nhiều đề tài có tiềm năng ứng dụng cao nhưng khó tiếp cận các quỹ hỗ trợ nghiên cứu do chưa có cơ chế tài chính phù hợp.

Bên cạnh thế mạnh trong đào tạo các ngành khoa học xã hội và giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) có nhiều thành tựu đáng kể trong nghiên cứu khoa học tự nhiên, bao gồm Toán học, Công nghệ Thông tin, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học Môi trường.

Trong những năm qua, nhà trường đã chủ động tìm kiếm và tiếp cận hiệu quả các nguồn quỹ khoa học và công nghệ từ cấp Nhà nước, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), các bộ ngành và địa phương. Nhờ đó, nhiều đề tài nghiên cứu được triển khai thành công, đáp ứng các tiêu chuẩn của cơ sở giáo dục đại học về nguồn thu từ khoa học và công nghệ.

Mặc dù tỷ trọng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chưa cao so với các trường đại học có thế mạnh về công nghệ và kỹ thuật, nhưng nhà trường đã từng bước khẳng định vai trò trong nghiên cứu ứng dụng. Đặc biệt, các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn tạo ra giải pháp công nghệ thiết thực trong giáo dục, môi trường và quản lý tài nguyên.
Nhà trường không chỉ tập trung vào nghiên cứu, mà còn đồng hành cùng các đối tác trong quá trình triển khai, đảm bảo kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng và doanh nghiệp.

Đơn cử như sau chuyển giao công nghệ, nhà trường hỗ trợ huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) phát triển mô hình nuôi trồng tảo xoắn và sản xuất sản phẩm từ vi tảo, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Trong lĩnh vực du lịch, trường tham gia các dự án phát triển du lịch học tập cộng đồng tại Hội An (Quảng Nam) và xã Hòa Bắc (Đà Nẵng), hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch bền vững gắn với bảo tồn văn hóa và thiên nhiên.

Hiện nay, nhà trường hỗ trợ Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng (Gia Lai) trong hoạt động bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và phát triển bền vững. Ngoài ra, trường hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung vào nghiên cứu giải pháp cải thiện mô hình nuôi trồng, nâng cao năng suất và bảo vệ môi trường.

PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng): Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và địa phương

3.jpg

PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh.

Nghiên cứu khoa học là công tác trọng tâm và được quan tâm tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). Nhà trường xem đây như một trong hai trụ cột trong chiến lược phát triển dài hạn: Nghiên cứu khoa học và đào tạo chất lượng cao.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường được triển khai theo 2 hướng: Đề tài nghiên cứu hàn lâm, cơ bản và đề tài nghiên cứu theo định hướng ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Trong giai đoạn 2020 - 2025, tổng số đề tài của nhà trường khoảng 135, với nguồn kinh phí thu về xấp xỉ 17 tỷ đồng.

Do đặc thù Trường Đại học Kinh tế thuộc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn nên các sản phẩm nghiên cứu khoa học vẫn đi theo hướng nghiên cứu hàn lâm, tổng hợp các mô hình nghiên cứu lý thuyết để có hàm ý chính sách và khuyến nghị các địa chỉ ứng dụng có quan tâm.

Với đề tài nghiên cứu hàn lâm, chủ nhiệm đề tài cũng chủ động tìm nguồn địa chỉ ứng dụng và đơn vị phối hợp trong quá trình thực hiện: 100% hợp đồng nghiên cứu khoa học hiện nay có đơn vị phối hợp hoặc xác nhận của địa chỉ ứng dụng và đa phần không tính vào kinh phí chuyển giao công nghệ.

Đặc biệt, 3 năm gần đây, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã đẩy mạnh các đề tài định hướng ứng dụng, chuyển giao công nghệ, cụ thể: Nhà trường khuyến khích đề tài đặt hàng dựa trên nhu cầu của sở Khoa học & Công nghệ các địa phương, doanh nghiệp địa phương hoặc tổ chức, đơn vị có nhu cầu:

Ví dụ 2 đề tài đặt hàng năm 2024 của nhà trường liên quan đến nhận diện các ngành kinh tế có lợi thế của TP Đà Nẵng, để từ đó đề xuất chính sách - chiến lược phát triển chọn lọc, tập trung cho ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao năng lực cạnh tranh vĩ mô của thành phố; hoặc Đề tài phát triển phần mềm quản lý gửi xe của nhà trường do Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thực hiện, đã áp dụng thử nghiệm và cho thấy hiệu quả tốt.

Mặc dù kinh phí từ chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) chưa cao, nhưng cách tiếp cận và chủ trương tăng cường nghiên cứu khoa học gắn với địa chỉ ứng dụng cho thấy tính hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu suất nghiên cứu khoa học của nhà trường tại địa phương và khu vực, từng bước đáp ứng yêu cầu của chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT.

Từ năm 2022 đến nay, chúng tôi chủ động xây dựng Báo cáo thường niên về tình hình kinh tế Đà Nẵng và đề xuất các hàm ý chính sách cụ thể theo định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Báo cáo thường niên có thể coi là sản phẩm với địa chỉ ứng dụng do nhà trường chủ động và quyết tâm xây dựng, nhằm đáp ứng các yêu cầu về xây dựng chính sách, phát triển kinh tế của thành phố theo các Nghị quyết 43, 136 của Đảng, Nhà nước.

Thế mạnh của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) nằm ở đội ngũ giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm và năng lực nghiên cứu tốt. Hiện tại nhà trường có khoảng 400 giảng viên cơ hữu, đều được đào tạo từ các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu trên thế giới hoặc tại Việt Nam.

Trong thời gian ngắn hạn, nhà trường sẽ xây dựng Viện Nghiên cứu và Phát triển chính sách kinh tế nhằm tăng cường chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học đến chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác đào tạo theo nhu cầu địa phương và doanh nghiệp. Mô hình quản trị đại học mới cũng được nhà trường quan tâm, trong đó có hướng phát triển doanh nghiệp đại học trong lĩnh vực liên kết đào tạo, hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp.

TS Trần Hoàng Vũ - Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng): Bệ đỡ từ nhà trường

IMG_7256.JPG

TS Trần Hoàng Vũ.

Từ vị trí giảng viên tham gia nhóm nghiên cứu - giảng dạy, chúng tôi nhận thấy một số khó khăn khi thực hiện nghiên cứu gắn liền với chuyển giao công nghệ. Chẳng hạn, thủ tục hành chính phức tạp: Quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ và định giá công nghệ thường tốn thời gian, gây cản trở cho việc chuyển giao công nghệ.

Thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả: Nhiều trường đại học chưa có cơ chế hỗ trợ giảng viên thực hiện nghiên cứu khoa học, thiếu sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để tạo đầu ra cho nghiên cứu. Mặt khác, theo Luật Viên chức, giảng viên không được phép thành lập doanh nghiệp, dẫn đến khó khăn trong chuyển giao thành quả nghiên cứu ra thị trường.

Để thúc đẩy việc kết nối sản phẩm nghiên cứu với địa chỉ ứng dụng, giảng viên cần nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường thông qua các biện pháp như: Hỗ trợ thủ tục hành chính và pháp lý (các cơ sở giáo dục đại học cần đơn giản hóa và minh bạch hóa thủ tục liên quan đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ, định giá công nghệ và chuyển giao công nghệ). Điều này giúp giảm bớt gánh nặng hành chính cho giảng viên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế khuyến khích và hỗ trợ tài chính: Các trường đại học cần thiết lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu, cung cấp kinh phí cho dự án có tiềm năng ứng dụng cao, đồng thời tạo ra chính sách khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Nhà trường cần chủ động xây dựng mối quan hệ với doanh nghiệp, tạo cầu nối giữa giảng viên và doanh nghiệp để thúc đẩy việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và kinh doanh.

5.png
 

Các bài khác...