Sidebar

Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng tham dự Chương trình chứng nhận giảng viên bán dẫn

Từ ngày 16/12 đến ngày 20/12/2024, đoàn cán bộ giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng gồm: TS. Nguyễn Linh Nam - Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Thị Khánh Hồng - Trưởng phòng Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục; ThS. Phạm Văn Phát - Phó Trưởng khoa và ThS. Phan Ngọc Kỳ - giảng viên Khoa Điện - Điện tử đã tham dự Chương trình chứng nhận giảng viên bán dẫn (SFCP: Semiconductor Faculty Certification Program) được tổ chức tại Hà Nội.

Từ ngày 16/12 đến ngày 20/12/2024, đoàn cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng gồm: TS. Nguyễn Linh Nam - Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Thị Khánh Hồng - Trưởng phòng Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục; ThS. Phạm Văn Phát - Phó Trưởng khoa và ThS. Phan Ngọc Kỳ - giảng viên Khoa Điện - Điện tử đã tham dự Chương trình chứng nhận giảng viên bán dẫn (SFCP: Semiconductor Faculty Certification Program) được tổ chức tại Hà Nội.
Trong khuôn khổ tài trợ của Quỹ Đổi mới và An ninh Công nghệ Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với 06 quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đây là hoạt động thuộc chương trình bồi dưỡng giảng viên kiểm tra, đóng gói bán dẫn, được cấp giấy chứng nhận bởi Đại học Arizona (ASU, Hoa Kỳ) - trung tâm đào tạo lớn nhất của Hoa Kỳ về ngành bán dẫn được thành lập vào năm 1885, có trụ sở đóng tại thành phố Tucson, thuộc tiểu bang Arizona, phía Tây Nam Hoa Kỳ.
Sau 02 khóa học trực tuyến kéo dài hai tháng về đóng gói kiểm tra vi mạch bán dẫn, chương trình lần này được thiết kế đặc biệt để nâng cao chuyên môn và kiến thức của giảng viên trong ngành bán dẫn về việc xây dựng, phát triển chương trình đào tạo và nội dung đào tạo bồi dưỡng có liên quan đến kiểm tra, đóng gói vi mạch bán dẫn, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với điều kiện về nguồn lực của các trường đại học đang tham gia đào tạo về vi mạch bán dẫn.
Trong 05 ngày, các giảng viên sẽ làm việc theo nhóm để thiết kế một bản dự thảo chương trình đào tạo đóng gói, kiểm tra vi mạch bán dẫn dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, chuyên gia từ ASU và sự tham gia góp ý của các doanh nghiệp đóng gói, kiểm tra vi mạch hàng đầu thế giới đang đầu tư, phát triển về lĩnh vực vi mạch, bán dẫn tại Việt Nam.
Ngoài ra, các giảng viên còn được tham quan nhà máy Amkor Technology Việt Nam. Đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của tập đoàn Amkor tại Bắc Ninh, là đơn vị quan trọng và trụ cột trong mạng lưới hoạt động phát triển bền vững về lĩnh vực bán dẫn của Tập đoàn Amkor trên toàn cầu. Hiện nay, trong giai đoạn đầu, nhà máy tập trung vào việc thử nghiệm, cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến trong đóng gói vi mạch cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.
Trong Chương trình nêu trên, các giảng viên của nhà trường được nâng cao năng lực liên quan đến đào tạo vi mạch bán dẫn thông qua việc cập nhật kiến thức và kỹ năng về đóng gói vi mạch; tăng cường sự hiểu biết về chương trình đào tạo vi mạch; trau dồi khả năng lập kế hoạch xây dựng nội dung học phần; phát triển chương trình đào tạo về đóng gói vi mạch bán dẫn đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; chủ động xây dựng hệ sinh thái học tập mới dựa trên nền tảng hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà trường, giảng viên và sinh viên. 

QUA00678.jpg

QUA01189.jpg

Một số hình ảnh tại Chương trình chứng nhận giảng viên bán dẫn

Xác định phát triển công nghệ cao với công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư, trong đó có 35.000 kỹ sư phục vụ các công đoạn kiểm tra đóng gói. Đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng, đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 10.000 nhân lực ngành vi mạch bán dẫn, nhằm đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước. 
Trên cơ sở đó, với truyền thống và kinh nghiệm đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đang tích cực triển khai nhiều giải phảp hiệu quả nhằm thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố Đà Nẵng và cả nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, nhà trường cần chủ động tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để có thể tổ chức triển khai đào tạo nhân lực ngành công nghệ vi mạch bán dẫn đáp ứng yêu cầu của xã hội. Trong đó, đào tạo đội ngũ giảng viên phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu phát triển, xây dựng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bậc đại học và sau đại học, xây dựng phòng thí nghiệm và phát triển hợp tác quốc tế, doanh nghiệp về bán dẫn là những định hướng chính cần được ưu tiên tập trung triển khai thực hiện. Trong đó, nhân tố chủ yếu quyết định sự thành công của nhiệm vụ đào tạo là đội ngũ giảng viên. Vì vậy, mỗi giảng viên cần chủ động thay đổi tư duy, học hỏi và ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy, từ đó góp phần đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu mở rộng năng lực lắp ráp, kiểm tra và đóng gói (ATP) bán dẫn, đảm bảo chuỗi cung ứng nguồn nhân lực toàn cầu.
Chương trình chứng nhận giảng viên bán dẫn  là cơ hội để Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng có cái nhìn tổng quan về lĩnh vực bán dẫn liên quan đến công nghệ đóng gói, kiểm tra vi mạch, tích cực xây dựng hệ sinh thái học tập dựa trên sự liên kết với các doanh nghiệp công nghệ cao về vi mạch bán dẫn.

QUA00821.jpg

QUA00810.jpg

Các cán bộ giảng viên tham gia Chương trình chứng nhận giảng viên bán dẫn 
chụp ảnh lưu niệm

TRUNG TÂM HỌC LIỆU VÀ TRUYỀN THÔNG

Các bài khác...