Từ những kiến thức được học trên giảng đường cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn của giảng viên, nhiều nhóm sinh viên đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế, xây dựng được sản phẩm hữu ích và đoạt giải cao trong các cuộc thi lớn; góp phần giúp sinh viên trưởng thành hơn khi rời giảng đường.
Nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) nhận giải thưởng Loa Thành 2024 tại Hà Nội. Ảnh: THU HÀ
Được trao giải nhì tại giải thưởng Loa Thành 2024, đồ án tốt nghiệp của Tôn Thất Lập và Trương Hữu Phước, Khoa Xây dựng, Trường Công nghệ và Kỹ thuật, Đại học Duy Tân đã mang đến một giải pháp thiết kế kết cấu và thi công “Khu phức hợp bệnh viện - căn hộ cao cấp - giáo dục” có quy mô lớn. Đồ án được hai sinh viên triển khai với nhiều hạng mục phức tạp gồm bệnh viện, nhà ở chung cư cao cấp, phòng làm việc và phòng học.
Phước và Lập vận dụng các kiến thức chuyên ngành để xử lý giải pháp kết cấu, thi công và đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn. Đồ án đề xuất các phương án thi công khả thi, tiết kiệm chi phí, thời gian; sử dụng các phần mềm hiện đại như Revit, Autocad, Etabs, Safe, Adapt và Plaxis 2D để mô hình hóa, phân tích và tính toán nhằm bảo đảm tính khoa học, thẩm mỹ, đáp ứng yêu cầu thực tế của công trình. Đặc biệt, hai sinh viên tích hợp mô hình thông tin công trình (BIM) vào đồ án, một hướng đi tiên tiến trong chuyển đổi số, đáp ứng các yêu cầu đổi mới của ngành xây dựng hiện nay.
Theo Lập, đề tài của nhóm được triển khai, xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế của xã hội, mang đến những giá trị về tiện ích cũng như những công năng mà xã hội đang cần, gắn với cuộc sống thường ngày. “Tham gia cuộc thi giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc với những điều mới mẻ, trau dồi kiến thức chuyên ngành cũng như thực tế xã hội. Cá nhân em học hỏi thêm sự sáng tạo không ngừng của các bạn sinh viên đến từ các trường đại học trên cả nước. Để có thể thử sức ở những cuộc thi lớn, sinh viên cần rèn luyện sự kiên trì, không bỏ cuộc trước những khó khăn. Bên cạnh đó trau dồi các kỹ năng, có thể sử dụng tốt các phần mềm cần thiết cho việc học và thực hành”, Lập chia sẻ.
Xuất sắc được trao giải nhì giải thưởng Loa Thành 2024 chuyên ngành giao thông - hạ tầng, đồ án “Thiết kế nâng cấp, cải tạo nút giao thông cầu Hòa Xuân, thành phố Đà Nẵng” của nhóm sinh viên Nguyễn Đức Thiện và Nguyễn Minh Tú, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng được hội đồng giải thưởng Loa Thành lần thứ 36 đánh giá cao về tính sáng tạo, độc đáo, tính thực tiễn và khoa học trong trình bày.
Đồ án đề cập đến các vấn đề lý thuyết về thiết kế nút giao thông; xem xét thực trạng ùn tắc tại nút giao thông cầu Hòa Xuân, thu thập số liệu khảo sát địa hình và dòng xe tại nút, từ đó đưa ra 4 phương án sơ bộ để nâng cấp, cải tạo và rút ra phương án hợp lý nhất để cải tạo, nâng cấp nút. Đồ án có tính thực tiễn khi đi sâu vào nghiên cứu giải quyết vấn đề ùn tắc tại nút giao thông cầu Hòa Xuân, các số liệu được thu thập và phân tích để đề ra các phương án sơ bộ về cải tạo, nâng cấp nút là số liệu thực tế do sinh viên tổ chức thực hiện và phương án đề xuất có tính khả thi.
Theo Thiện, điểm mạnh của đề tài là bám sát thực tế, đưa ra được giải pháp giải quyết được các xung đột tại nút giao thông và tăng khả năng thông hành trong các nhánh dẫn vào trong nút và một số diễn họa về 3D cũng như mô phỏng được các dòng xe chạy theo lưu lượng trong giờ cao điểm. Thông qua cuộc thi, giúp sinh viên hiểu biết nhiều hơn về các ngành liên quan đến xây dựng như kiến trúc, dân dụng và công nghiệp. Đây là bước tiến, là hành trang để sinh viên ra trường có thể làm việc và cống hiến cho ngành xây dựng nói chung.
Nhiều năm tham gia hướng dẫn các nhóm sinh viên làm các đề tài tham dự và đoạt giải tại các cuộc thi chuyên ngành lớn như giải Loa Thành, PGS.TS. Phan Cao Thọ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cho rằng, một đồ án chất lượng cần có hàm lượng nhất định về tính khả thi, tính khoa học, hàm lượng nghiên cứu. Các đề tài nghiên cứu, ứng dụng phải xuất phát từ thực tế, vai trò của giảng viên hướng dẫn là định hướng, khích lệ để sinh viên tự tin triển khai các ý tưởng sáng tạo, tư duy ứng dụng những kiến thức học được từ giảng đường vào thực tế cuộc sống.
Từ nền tảng khoa học cơ bản của chuyên ngành, sinh viên sẽ tìm kiếm, nghiên cứu giải pháp, thực nghiệm để giải quyết các bài toán của thực tế. Các ý tưởng hay thường bám sát hơi thở cuộc sống, tính khả thi cao. Thế hệ sinh viên những năm gần đây có tư duy tốt, tiếp cận với công nghệ số nhanh, ứng dụng công nghệ thông tin tốt. Điều quan trọng là kích thích được niềm đam mê, yêu thích nghiên cứu khoa học cho sinh viên để các em thấy được hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học từ khi còn trên giảng đường.
THU HÀ