Sidebar

Quy hoạch mạng lưới cơ sở GD đại học: Chính sách và hành động

GD&TĐ - Quy hoạch mạng lưới cơ sở GD đại học Việt Nam đặt ra các mục tiêu về quy mô đào tạo đại học và sau đại học, mật độ sinh viên và tỷ lệ người học trong độ tuổi 18 - 22.

GD&TĐ - Quy hoạch mạng lưới cơ sở GD đại học Việt Nam đặt ra các mục tiêu về quy mô đào tạo đại học và sau đại học, mật độ sinh viên và tỷ lệ người học trong độ tuổi 18 - 22.

IMG_4172.JPG

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) tổ chức Ngày trải nghiệm Giáo dục STEM cho học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Thoại. Ảnh: PV

Quy mô trên 3 triệu người học, đạt 260 sinh viên và 23 học viên sau đại học/vạn dân; tỷ lệ học đại học trên số người trong độ tuổi 18 - 22 đạt 33% trong đó không tỉnh nào có tỷ lệ thấp hơn 15% là mục tiêu Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm (Quy hoạch) đề ra. Để cán đích, ngoài nỗ lực của các cơ sở giáo dục đại học trong đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ, còn cần sự hỗ trợ, tháo gỡ từ chính sách.

Cân bằng tăng quy mô
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đặt ra các mục tiêu về quy mô đào tạo đại học và sau đại học, mật độ sinh viên và tỷ lệ người học trong độ tuổi 18 - 22. Theo TS Võ Thanh Hải - Phó Giám đốc Đại học Duy Tân, trong bối cảnh nhu cầu lao động trình độ cao, thành thạo về ứng dụng công nghệ để thích ứng với tốc độ chuyển đổi số và công nghệ mới thì mục tiêu của Quy hoạch khả thi.

Để đạt được mục tiêu trên, theo PGS.TS Nguyễn Lê Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), khu vực giáo dục đại học sẽ gặp một số thách thức trong tăng trưởng quy mô tuyển sinh, huy động nguồn lực để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Theo phân tích của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), với dân số Việt Nam khoảng 100 triệu người, để đạt mục tiêu 260 sinh viên/vạn dân sẽ tương đương khoảng 2,6 triệu sinh viên. Hiện có khoảng 2,1 triệu sinh viên, do đó cần tuyển thêm ít nhất 500 nghìn sinh viên. Đối với học viên sau đại học, mục tiêu đề ra 23 học viên/vạn dân tương đương với khoảng 230 nghìn học viên cao học và nghiên cứu sinh. Điều này đòi hỏi hệ thống sau đại học phải mở rộng mạnh mẽ.

Tỷ lệ học đại học theo độ tuổi, theo PGS.TS Nguyễn Lê Hùng là thách thức. Với mục tiêu 33% người 18 - 22 tuổi theo học đại học yêu cầu tăng đáng kể số lượng sinh viên. Đặc biệt khó khăn đối với vùng nông thôn, miền núi có tỷ lệ dưới 15% do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thiếu cơ sở đào tạo và nhận thức về giáo dục đại học chưa cao. Việc đảm bảo không có tỉnh nào dưới 15% đòi hỏi đầu tư lớn vào giáo dục đại học ở các địa phương kém phát triển.

Có cùng quan điểm, PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, sẽ có sự chênh lệch vùng miền trong tỷ lệ học đại học trên số người trong độ tuổi 18 - 22. Một số tỉnh có thể đạt 33%, nhưng các tỉnh vùng sâu, xa có nguy cơ không vượt quá 15% nếu không có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ. Chưa kể tâm lý xã hội và thị trường lao động cũng là vấn đề đáng bàn trong xu thế hiện nay…

Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Lê Hùng, không thể không chú trọng đến chất lượng và nguồn lực giáo dục bên cạnh số lượng. Việc tăng số lượng sinh viên không đồng nghĩa chất lượng được đảm bảo mà đôi khi ngược lại. Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chất lượng đầu vào và chương trình đào tạo cần được nâng cấp. Các trường phải đủ năng lực tuyển sinh và đào tạo, tránh chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng.

Trong khi đó, theo nhận định của PGS.TS Võ Văn Minh, cần tăng hơn nữa tài chính cho giáo dục đại học để đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, công nghệ. Nếu dựa vào học phí thì khó để hài hòa giữa tăng quy mô và đảm bảo chất lượng đào tạo.

Nỗ lực lớn
Theo PGS.TS Võ Văn Minh, để đạt mục tiêu như Quy hoạch đề ra, cần nỗ lực lớn từ nhiều phía: Nhà nước, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và người học. Chỉ khi có sự đồng bộ trong chính sách và hành động, mới có thể hiện thực hóa được tầm nhìn phát triển giáo dục đại học bền vững.

Từ phía các cơ sở giáo dục đại học, TS Võ Thanh Hải cho biết phải giải được bài toán đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện đội ngũ đáp ứng các yêu cầu của chuẩn cơ sở giáo dục đại học. “Đơn cử nếu không đáp ứng tiêu chí diện tích/số lượng sinh viên, không đủ tỷ lệ tiến sĩ… thì khó để cơ sở giáo dục đại học tăng chỉ tiêu tuyển sinh qua từng năm. Chưa tính đến tăng chỉ tiêu, nếu không thực hiện cải tiến các điều kiện đảm bảo chất lượng, cơ sở giáo dục đại học cũng đứng trước nguy cơ sáp nhập”, Phó Giám đốc Đại học Duy Tân phân tích.

Hiện, Đại học Duy Tân đạt 40% tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ và xây dựng mục tiêu đến năm 2030 đạt 50% tiến sĩ. Ngoài tăng cường gửi giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài, Đại học Duy Tân đẩy mạnh hợp tác quốc tế để trao đổi giảng viên, mời chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu. Cùng đó, sẽ thúc đẩy kiểm định chương trình đào tạo bởi các tổ chức quốc tế để đảm bảo có thể trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường đại học đối tác.

Ở hướng khác, theo đề xuất của PGS.TS Võ Văn Minh, cần tăng cường đổi mới mô hình đào tạo. Chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến như việc phát triển E-learning, MOOCs, hybrid learning để mở rộng quy mô người học mà không phụ thuộc hoàn toàn vào giảng đường truyền thống; mở rộng các chương trình liên thông và học tập suốt đời.

Cho phép người đi làm dễ dàng quay lại học đại học hoặc nâng cao trình độ; thúc đẩy giáo dục mở và công nhận tín chỉ lẫn nhau giữa các trường để tạo cơ hội học tập linh hoạt hơn. Từ đó, có thể phát triển đào tạo nghề - đại học tích hợp, theo hình thức như không chỉ học đại học, mà còn kết hợp với đào tạo kỹ năng, thực tập doanh nghiệp.

Phải phát triển giáo dục đại học gắn với nhu cầu thị trường là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Lê Hùng. Qua đó, định hướng ngành đào tạo theo nhu cầu lao động thực tế, tránh dư thừa nhân lực ở một số ngành ít việc làm và gây lãng phí cho xã hội. Đẩy mạnh tự chủ đại học và liên kết quốc tế sẽ khuyến khích các trường nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết với doanh nghiệp để tạo cơ hội việc làm.

Một số ngành học truyền thống đã bão hòa nhu cầu đào tạo sau đại học. Nhưng một số ngành học mới nguồn tuyển sinh sau đại học cao nhưng cơ sở giáo dục đại học lại bị ràng buộc bởi không đủ tiến sĩ ngành phù hợp mà chỉ có ngành gần.

Chưa kể điều kiện đầu ra về ngoại ngữ cho thạc sĩ khá cao, học viên khó đáp ứng được yêu cầu, nhất là đối với thạc sĩ theo hướng ứng dụng. Trong khi đó, một số nước ở khu vực châu Á thời gian qua cấp học bổng cao cho học viên cao học, nghiên cứu sinh nên nếu không đầu tư trong chính sách đào tạo sau đại học thì khó để cạnh tranh. - TS Võ Thanh Hải (Phó Giám đốc Đại học Duy Tân)

Các bài khác...