Sidebar

Nuôi dưỡng tài năng khoa học, công nghệ từ bậc phổ thông

STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) đang được xem là nhóm ngành tiềm năng. Để thu hút người học khối ngành này, các trường đại học trên địa bàn thành phố có nhiều hoạt động giáo dục STEM, tạo sân chơi, nuôi dưỡng tài năng khoa học, công nghệ cũng như góp phần phát triển nguồn nhân lực ngành này trong tương lai.

STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) đang được xem là nhóm ngành tiềm năng. Để thu hút người học khối ngành này, các trường đại học trên địa bàn thành phố có nhiều hoạt động giáo dục STEM, tạo sân chơi, nuôi dưỡng tài năng khoa học, công nghệ cũng như góp phần phát triển nguồn nhân lực ngành này trong tương lai.

IMG_4434.JPG

Học sinh trường THPT Ngô Quyền trải nghiệm các hoạt động STEM tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ

Trong những ngày tháng 3 vừa qua, nhiều học sinh khối 10, 11, 12 thuộc Trường THPT Nguyễn Văn Thoại và học sinh khối 10, 11 của Trường THPT Ngô Quyền được tiếp cận với các thiết bị cơ học trong ngành kỹ thuật cơ khí như: trải nghiệm STEM trên các thiết bị đo từ trường tại xưởng thực hành điện; trải nghiệm máy khắc laser, máy CNC, máy ép chén đĩa từ vật liệu thân thiện với môi trường… tại xưởng thực hành của Khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng).

Đây là hoạt động trải nghiệm thực tế được Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật triển khai giúp học sinh có thể tiếp cận với các khái niệm cơ bản của giáo dục STEM. Tận mắt thấy những thí nghiệm, cách thức hoạt động của máy móc, thiết bị, Trần Ngọc Duy, học sinh khối 11, Trường THPT Ngô Quyền bày tỏ, được hướng dẫn thực hiện các thí nghiệm kỹ thuật, trải nghiệm các thiết bị đo từ trường tại các xưởng thực hành là điều rất thú vị, chúng em thấy được ứng dụng thực tế của môn học trong cuộc sống và thấy hứng thú muốn tìm tòi, khám phá hơn nữa đối với các môn khoa học, sáng này.

TS. Nguyễn Linh Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cho biết, với chiến lược đào tạo, nghiên cứu theo định hướng ứng dụng, nhà trường coi trọng tăng cường gắn kết đào tạo lý thuyết với thực hành, nghiên cứu với ứng dụng thực tiễn, trong đó giáo dục STEM là nền tảng quan trọng. Việc triển khai các dự án, kế hoạch giáo dục STEM là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác của nhà trường nhằm tạo mối quan hệ mật thiết, tiếp cận gần hơn giữa trường đại học và các trường THCS, THPT.

Đây cũng là tiền đề để tổ chức các hoạt động gắn kết giáo dục phổ thông với giáo dục đại học dựa trên nền tảng STEM. Điều này không chỉ giúp học sinh phát triển tư duy, năng lực, kỹ năng mềm mà còn truyền cảm hứng cho các em hiểu thêm về các ngành đào tạo kỹ thuật, công nghệ của nhà trường. Học tập theo mô hình giáo dục STEM không chỉ giúp các em học sinh học tốt kiến thức về toán, khoa học, tin học... mà còn giúp các em có khả năng vận dụng kiến thức này trong giải quyết các vấn đề thực tế một cách sáng tạo dựa trên các phương pháp nghiên cứu khoa học, thực hiện quy trình thiết kế kỹ thuật.

“Thông qua các hoạt động trải nghiệm nghiên cứu khoa học, thiết kế kỹ thuật và ứng dụng công nghệ các em học sinh có thể phát triển sự yêu thích trong khám phá công nghệ, từ đó hình thành nhận thức, hiểu biết để có những định hướng phù hợp trong việc chọn lựa theo học các ngành thuộc lĩnh vực STEM”,  TS. Nguyễn Linh Nam nhấn mạnh.

Không chỉ thu hút các học sinh đến tham quan, trải nghiệm tại trường, thời gian qua, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) mang sân chơi STEM đến với các em học sinh THPT của các tỉnh thành khu vực miền Trung, trong đó có trường THPT Đào Duy Từ (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).

Các hoạt động trải nghiệm với khí nitơ lỏng; mô hình kết cấu không gian; trải nghiệm Robot điện tử - dò mê cung… đã thu hút sự quan tâm của các em học sinh THPT và truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo cho học sinh liên quan đến các lĩnh vực STEM. Trường Đại học Bách khoa kết nối 10 trường THPT tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi để xây dựng năng lực cho đội ngũ giáo viên trong việc thực hiện các hoạt động học tập STEM. Giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn lập kế hoạch, hướng dẫn cho học sinh về các khái niệm và phương pháp giáo dục STEM.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, để phát triển giáo dục STEM, việc gắn kết đào tạo giữa bậc đại học và THPT là một trong những giải pháp quan trọng nằm nâng cao nhận thức và năng lực giáo dục STEM tại các trường phổ thông. Điều này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, phục vụ cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ ứng dụng công nghệ toàn cầu.

Trong khi đó, để nâng cao hiệu quả giáo dục STEM, PGS.TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, cần tập trung có trọng điểm, đầu tư phát triển đội ngũ giáo viên thật sự chất lượng. STEM phải thể hiện rõ trong chương trình đào tạo của các ngành giáo dục và sư phạm. Cơ sở vật chất của các trường sư phạm cũng cần phải ưu tiên đầu tư bài bản để phục vụ đào tạo giáo viên dẫn dắt sự phát triển giáo dục phổ thông.

Các bài khác...