Sidebar

Thúc đẩy sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực khoa học

STEM (Science, Technology, Engineering và Mathematics - khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) đang trở thành một lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển của xã hội hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội việc làm sau khi sinh viên ra trường. Tuy nhiên, số lượng sinh viên nữ theo học ngành này chưa nhiều, các trường đại học tích cực tìm các giải pháp để thu hút sinh viên nữ theo học.

STEM (Science, Technology, Engineering và Mathematics - khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) đang trở thành một lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển của xã hội hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội việc làm sau khi sinh viên ra trường. Tuy nhiên, số lượng sinh viên nữ theo học ngành này chưa nhiều, các trường đại học tích cực tìm các giải pháp để thu hút sinh viên nữ theo học.

images1767328_1.gif

Sinh viên Dương Thị Thanh Hà (giữa) được khen thưởng tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NHẬT HẠ

Thực tế hiện nay, tại các trường đại học khối kỹ thuật, số sinh viên nữ tham gia các ngành học STEM chưa nhiều, một phần do định kiện giới cho rằng các ngành khoa học thường dành cho nam giới. Theo số liệu thống kê của TS. Đinh Thị Mỹ Hương, giảng viên Khoa Công nghệ Hóa học - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực STEM hiện nay vẫn còn rất hạn chế.

Tỷ lệ nhà nghiên cứu khoa học nữ trên toàn cầu chỉ chiếm khoảng 30%; trong số 199 giải Nobel Vật lý chỉ có 2 giải thuộc về nữ giới; tỷ lệ học sinh nữ đoạt giải trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp THPT chỉ chiếm 17%... Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết trong việc thúc đẩy và hỗ trợ phụ nữ tham gia vào các ngành nghề STEM.

Là một trong số ít nữ sinh viên theo học ngành STEM, Dương Thị Thanh Hà, sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, giành nhiều thành tích nổi bật khi theo học ngành liên quan đến kỹ thuật. Thanh Hà chia sẻ, khi mới vào học tỷ lệ sinh viên nữ theo học các ngành kỹ thuật nói chung còn ít nên em mất khá nhiều thời gian để hòa nhập. Bên cạnh đó, ngành Hà đang theo học thuộc lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật, đòi hỏi nhiều kiến thức về lập trình, điện tử, điều khiển và thực hành trên thiết bị khá khó và mới mẻ với sinh viên nữ. Vì thế, để theo kịp các môn học Hà dành nhiều thời gian tự học, tìm kiếm kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau; tích cực trao đổi, thảo luận cùng bạn bè; học hỏi kinh nghiệm từ các sinh viên khóa trước; chủ động tìm đến sự hỗ trợ của các giảng viên.

“Khi theo học các ngành kỹ thuật nói chung, sinh viên nữ có thể gặp một số bất lợi như phải làm việc với các thiết bị máy móc có kích thước và trọng lượng lớn, nhưng bù lại những yếu tố như tỉ mỉ, cẩn thận, chi tiết, kiên nhẫn trong nghiên cứu lại là lợi thế của sinh viên nữ khi theo học các ngành này”, Hà chia sẻ.

Nhờ sự cố gắng không ngừng của bản thân, Hà liên tục là sinh viên giỏi qua các năm; đoạt nhiều giải thưởng như: giải nhì cuộc thi Smart Campus Asia Pacific Competition Scapa năm 2023; giải nhất cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật năm học 2023-2024; giải nhất giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Đại học Đà Nẵng năm học 2023-2024...

Hà bày tỏ: “Tham gia nghiên cứu khoa học không chỉ là một nhiệm vụ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mà còn là con đường để em khám phá bản thân, định hướng tương lai. Sau khi tốt nghiệp, em mong muốn được tham gia vào các dự án nghiên cứu để áp dụng kiến thức đã học vào thực tế”.

Hiện nay, các trường đại học khối ngành kỹ thuật đều rất quan tâm đến giáo dục STEM và thu hút sinh viên theo học. Nhiều hoạt động giáo dục STEM được kết nối, giới thiệu cho học sinh tại các trường THPT trên địa bàn thành phố. Theo PGS.TS Tào Quang Bảng, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), với mong muốn triển khai giáo dục STEM vào chương trình học phổ thông nhằm tạo nền tảng kiến thức cho học sinh khi tiếp tục theo học ở bậc đại học, những năm gần đây nhà trường phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT trên địa bàn thành phố tổ chức hội nghị nghiên cứu khoa học và triển lãm công nghệ của học sinh sinh viên.

Sự kiện này là cầu nối giữa giảng viên, sinh viên của nhà trường và thầy cô, học sinh các trường THPT, là cơ hội để học sinh giao lưu học hỏi kiến thức mới, nhằm lan tỏa và hun đúc niềm đam mê với các môn khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, nhiều giảng viên cũng cho rằng, sự kết hợp giữa trường phổ thông và các trường đại học, doanh nghiệp trong giáo dục STEM là bước quan trọng để chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Theo TS. Đinh Thị Mỹ Hương, để thu hút sinh viên, nhất là nữ sinh tham gia các ngành học STEM cần tăng cường giáo dục STEM cho nữ giới từ cấp THPT; tạo cơ hội để nữ giới tiếp xúc với các hình mẫu thành công trong lĩnh vực STEM; xây dựng chính sách hỗ trợ và tạo cơ hội bình đẳng cho nữ giới trong lĩnh vực này; xây dựng mạng lưới tạo điều kiện để nữ giới trong lĩnh vực STEM kết nối và hỗ trợ lẫn nhau…

Thông qua việc tăng cường đầu tư vào giáo dục STEM từ cấp phổ thông, các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, có thể tạo ra một thế hệ nữ lãnh đạo mới trong khoa học công nghệ, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực.

Các bài khác...