Sidebar

Trường CĐ Công nghệ - ĐH Đà Nẵng xây dựng CT Đào tạo phiên bản 2014: Đột phá mạnh vào chất lượng đào tạo theo hướng gắn nguồn lực với nhu cầu thị trường lao động

Từ 2014: Sinh viên của Trường sẽ có thêm Học kỳ Doanh nghiệp; Giảng viên Trẻ (dưới 30 tuổi) của Trường phải thực tập tại cơ sở sản xuất 150 giờ/năm học

Từ 2014: Sinh viên của Trường sẽ có thêm Học kỳ Doanh nghiệp; Giảng viên Trẻ (dưới 30 tuổi) của Trường phải thực tập tại cơ sở sản xuất 150 giờ/năm học 

Với mục tiêu hình thành một chương trình đào tạo CHUẨN nhưng có độ MỞ theo hướng thực học - thực nghiệp, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; luôn sẵn sàng để nâng cao chất lượng và hiện đại hóa cũng như hội nhập; ngày 21/12 vừa qua, trường Cao đẳng (CĐ) Công nghệ - Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị khoa học "Đào tạo tín chỉ - Giải pháp nâng cao chất lượng & Hiệu quả”. 

 

Biểu đồ tăng trưởng về tuyển sinh từ 2006 đến 2013 của Trường CĐ Công nghệ, ĐH Đà Nẵng. Theo Thạc sĩ Dương Ngọc Thọ, Trưởng Phòng Đào tạo Nhà trường, mùa tuyển sinh 2013, con số 2.437 em trúng tuyển vào Trường là một con số rất ấn tượng với mức điểm chuẩn mà Nhà trường đề ra!. 

Từ năm 2006, trường CĐ Công nghệ và các trường thành viên Đại học Đà Nẵng đã tiến hành đổi mới phương thức đào tạo từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ. 

Trải qua 8 năm, nhà trường đã có 5 khóa đào tạo theo học chế tín chỉ tốt nghiệp, ra trường. Hội nghị khoa học Hội nghị khoa học "Đào tạo tín chỉ - Giải pháp nâng cao chất lượng & Hiệu quả” không chỉ là phiên đánh giá những việc đã làm được và chưa làm được trong 6 năm qua; quan trọng hơn; đây là phiên hội nghị gần như là phiên áp cuối của cả quá trình quyết tâm hành động hoàn thiện mô hình đào tạo tín chỉ. Các vấn đề điều chỉnh khung chương trình; đổi mới phương pháp tiếp cận; hoàn thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo… cho đến xây dựng chuẩn đầu ra và hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài, với doanh nghiệp, sẽ là những chủ đề chính của Hội nghị - thay mặt Ban Tổ chức Hội nghị, ThS. Đoàn Chí Thiện cho biết. 

 

Tham dự Hội nghị khoa học "Đào tạo tín chỉ - Giải pháp nâng cao chất lượng & Hiệu quả” có đại diện Lãnh đạo và các Ban chức năng Đại học Đà Nẵng; Lãnh đạo và đại diện Phòng Đào tạo các trường thành viên Đại học Đà Nẵng; Cán bộ lãnh đạo, quản lý và Cán bộ tham gia giảng dạy tại trường Cao đẳng Công nghệ, ĐH Đà Nẵng. Đặc biệt với tinh thần “Lấy Người học làm trung tâm”, Ban Tổ chức đã mời 17 SV đại diện cho HSSV đang theo học 17 chuyên ngành tại Trường cùng tham dự và đóng góp ý kiến.


Chương trình đào tạo phiên bản 2014: Quyết định nhiều vấn đề “sống còn” của một học hiệu

Đây là Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhiều chủ trương biện pháp mới sẽ được đề xuất và thảo luận dân chủ - công khai suốt thời gian làm việc của Hội thảo cũng như trong các phiên họp mang ý nghĩa tổng kết - triển khai hành động sắp đến.

Trong đó, nội dung tập trung là góp ý cho nội dung và lộ trình triển khai biên soạn – hoàn thiện và công bố áp dụng Chương trình đào tạo phiên bản 2014. 

(từ bên phải ảnh sang): Thạc sĩ Dương Ngọc Thọ, Trưởng Phòng Đào tạo trình bày báo cáo của Phòng. Ngồi Chủ tọa đoàn: TS. Võ Như Tiến Hiệu trưởng và TS. Nguyễn Anh Duy – Phó Hiệu trưởng. -Ảnh: T.Ngọc


“Lãnh đạo Nhà trường trên cơ sở đồng thuận và nhất trí cao, vì mục tiêu phát triển của nhà trường sẽ đi đến ban hành nhiều quyết định, quy định mới. Những chủ trương mới này sẽ buộc Thầy và Trò nỗ lực nhiều hơn để vận hành tiến trình đảm bảo chất lượng đi vào chiều sâu, bám sát thực tiễn, nhu cầu xã hội và nhu cầu của người học. Nhà trường phải là nơi không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho Học sinh - Sinh viên (HSSV) mà quan trọng hơn là giúp họ hình thành các năng lực như tự học – tự nghiên cứu để cập nhật và nâng cao kiến thức chuyên môn, qua đó hoàn thiện năng lực phát triển bản thân. 

Đối với bậc đào tạo CĐ, chương trình – nội dung và phương pháp đào tạo phải bảo đảm 2 mục tiêu: Chuẩn bị cho HSSV tốt nghiệp và đi làm ngay và Chuẩn bị cho HSSV tốt nghiệp có thể tiếp tục học liên thông lên bậc cao hơn. Việc biên soạn chương trình đào tạo của trường CĐ Công nghệ, ĐH Đà Nẵng sẽ bảo đảm cao nhất 2 mục tiêu vừa nêu nhưng sẽ ưu tiên cho mục tiêu thứ nhất (HSSV sau tốt nghiệp đi làm) - TS Võ Như Tiến Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ nhấn mạnh. 

Thầy và Trò đều phải trải nghiệm thực tế

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Duy – Phó Hiệu trưởng nhà trường: Chúng ta có cả vấn đề chung rất bức xúc là SV ra trường thường bị than là thiếu kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng yếu. Do vậy, việc theo dõi thường xuyên và điều chỉnh chương trình đào tạo là hết sức cần thiết. 

Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế, một vấn đề riêng của Nhà trường, đó là các em HSSV quá lười học. Việc chủ động truy bài, nêu thắc mắc với Thầy, Cô; thậm chí có ý kiến phản biện lại để làm rõ ràng hơn một vấn đề thuộc phạm trù kiến thức, gần như rất thưa vắng, hiếm thấy.

Do vậy chính “lò đào tạo” cũng phải thường xuyên xem lại mọi khâu trong quá trình đào tạo. 

Mệnh lệnh hành động chung đối với Giáo viên - Giảng viên của Trường, đó là phải nỗ lực tìm tòi để dạy (truyền thụ) “cái” xã hội và SV rất cần; chứ không dạy “cái” mình có sẵn, theo tiến sĩ Nguyễn Anh Duy – Phó Hiệu trưởng CĐ Công nghệ, ĐH Đà Nẵng. 

TS. Nguyễn Anh Duy – Phó Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ, ĐH Đà Nẵng
 

Các định hướng cụ thể để “chuẩn hóa” cỗ máy cái trong phiên bản Chương trình 2014 được Tiến sĩ Nguyễn Anh Duy giới thiệu gồm:

Quy định mới về phân công giảng dạy

Giáo viên không đứng tên giảng dạy thay phần lý thuyết; bảo đảm phải giảng dạy đúng ngạch. Giảng viên chính; Phó Giáo sư, Giảng viên Cao cấp chỉ được dạy nhiều nhất (tối đa) 4 học phần lý thuyết trên một học kỳ; giảng viên tối đa là 3 học phần. Một học phần được dạy cho số lớp nhiều hơn 3 lớp, bắt buộc phải bố trí ít nhất 2 giảng viên dạy. Bắt đầu thực hiện từ HK 1/2014. Bên cạnh đó sẽ có thêm các quy định như: Giáo viên vì lý do nào đó nghỉ dạy, thì phải dạy bù tối đa 2 lần/lớp/học kỳ 

Bám sát thực tiễn ở cơ sở hơn bao giờ hết

Liên quan đến xây dựng chương trình đào tạo V.2014 lần này, theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Duy, Lãnh đạo nhà trường đã đặt ra yêu cầu: Mỗi chuyên ngành cần khảo sát ít nhất 3 Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất/ dịch vụ (tiến độ là trước khi nghỉ Tết âm lịch Giáp Ngọ) và khi xây dựng, biên soạn cấu trúc chương trình đào tạo (theo tiến độ trong 3/2014) phải chi tiết hóa các yêu cầu kiến thức, kỹ năng phải đạt được đối với mỗi học phần. 

Lãnh đạo nhà trường tỏ rõ quyết tâm với lộ trình đột phá qua Phiên bản 2014 

Về kiến thức sẽ thực hiện phân chia 3 khối gồm Đại cương - Cơ sở ngành & Chuyên ngành (tỷ lệ gợi ý là 3 - 4 - 3). Ở mỗi khối đều có các môn bắt buộc và tự chọn. Nội dung mới cũng sẽ tăng thời gian 3T (Thực hành – Thí nghiệm và Thực tế), dự kiến là chiếm đến 30% tổng thời gian đào tạo. 

Để tăng cường năng lực sư phạm, kiến thức thực tiễn; sẽ có quy định cụ thể cho CBGV trẻ trong dự giờ và tham gia dự giờ; thực tập tại cơ sở sản xuất. Cán bộ giảng dạy trẻ (dưới 30 tuổi) mỗi năm phải có 150 giờ dự thực tập tại cơ sở sản xuất. Nhà trường sẽ xây dựng quy chế quy đổi sang giờ chuyên môn, nghiên cứu khoa học khi cán bộ giảng dạy trẻ thực tập tại cơ sở sản xuất. 

TS. Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng nhà trường - trình bày tham luận về Liên kết đào tạo với các ĐH, CĐ, Học viện nước ngoài.


Người Thầy phải tạo động lực giúp HSSV thay đổi thái độ học tập

Với mục tiêu bồi dưỡng năng lực học tập, cung cấp kiến thức nền móng vững chắc cho các em đeo đuổi định hướng liên thông. Nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho các em quyết định gia nhập thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp. Chương trình đào tạo 2014 sẽ có các biện pháp nhắc nhở và yêu cầu Người Thầy phải quan tâm đến lớp, đến việc học của SV nhiều hơn. 

Các hình thức khuyến khích được gợi ý như dành thêm thời gian để gần gũi SV nhiều hơn, có phương pháp sư phạm hợp lý để khơi dậy tinh thần tự học, tinh thần và phương pháp thảo luận/ làm việc nhóm; cho điểm cộng; song song, Giáo viên - Giảng viên phải nghiêm khắc bằng các biện pháp cưỡng chế từ thông thường như điểm danh, kiểm tra vở ghi chép - vở bài tập đến tăng cường đánh giá bằng điểm bài tập. 

Chính sách Khuyến học cũng được xem là một phần động lực

Tiến sĩ Nguyễn Anh Duy đề xuất trích 30% Tổng Quỹ Học bổng để cấp các suất đặc biệt (15 triệu suất/HK/trường hợp gia cảnh đặc biệt) cho các em SV có hoàn khó khăn khó khăn quá mức, có thể bỏ học. Số lượng Học bổng này được xét chọn bằng một quy trình cũng có những yêu cầu đặc thù riêng để bảo đảm đúng đối tượng, công bằng. 

Điểm sáng của Phiên bản mới: Học kỳ Doanh nghiệp

Theo đó, SV sẽ thực tập toàn thời gian hoặc bán thời gian (vừa học và thực tập) tại một Doanh nghiệp trong 1 HK chính hay HK Hè.

SV có thể tự liên hệ DN, rồi báo cáo lại với Khoa, Bộ môn; hoặc Khoa, Bộ môn liên hệ và giới thiệu để SV biết và lên đề cương (chi tiết) cho Học kỳ Doanh nghiệp này. Sau thời gian thực tập với sự hỗ trợ và giám sát của Giảng viên hướng dẫn, của Doanh nghiệp; SV sẽ tiến hành xây dựng báo cáo kết quả quá trình thực tập và báo cáo với Hội đồng đánh giá. Nếu đạt kết quả theo yêu cầu, SV được cấp chứng nhận hoàn thành Học kỳ Doanh nghiệp (của Nhà trường và Doanh nghiệp). 

Nhà trường phải chấp nhận và đối diện với kết quả của thực tế - phản ảnh sinh động thực chất! 

Toàn cảnh phiên hội thảo ngày 21/12/2013. -Ảnh: T.Ngọc


“Trong lúc có nhiều trường CĐ gặp khó khăn trong tuyển sinh, thì mùa thi năm 2013, trường CĐ Công nghệ chúng tôi lại phải áp dụng mức điểm khá cao để tuyển đúng với chỉ tiêu đào tạo đã được duyệt. Có thể thấy, đối với trường CĐ Công nghệ, ĐH Đà Nẵng, tỷ lệ SV vào trường tăng đều và tăng liên tục. Điều đó nói lên rằng, nhà trường đã có uy tín nhất định đối với người học và phụ huynh cũng như cộng đồng xã hội.

Trong các mùa tuyển sinh gần đây nhất, chỉ có mùa thi 2011, do tình hình chung, chúng tôi có hạ điểm chuẩn, và cũng chỉ hạ nửa điểm mà thôi. Vấn đề không phải là lấy cho đủ số lượng mà phải cân nhắc sao cho quy trình xét tuyển vẫn bảo đảm chất lượng đầu vào để bảo đảm uy tín cho học hiệu CĐ Công nghệ, ĐH Đà Nẵng.

Ngoài ra, trong đào tạo và thi – xét – công nhận tốt nghiệp; nếu có năm học, chúng tôi hài lòng với kết quả đến 62% HSSV xếp loại tốt nghiệp Khá; thì cũng có thời điểm, chấp nhận với tỷ lệ chưa đạt yêu cầu (ở một ngành hay một môn) có thể lên đến mức 85%.

Quan điểm của nhà trường là vẫn giữ nguyên các tỷ lệ “không ai muốn” như thế này để nghiêm túc trong tổ chức tổ chức ôn tập, học lại, thi lại theo đúng quy định.

Chúng tôi cho rằng nhà trường phải luôn sẵn sàng đối diện với các thực tế của kết quả từ quá trình giảng dạy và học tập, bởi đó là thực chất của chất lượng. Có như vậy mới luôn kiên định với đổi mới, nâng cao chất lượng!.

Và cũng chính điều đó, Ban Giám hiệu đặt ra yêu cầu phải đổi mới chương trình, phương pháp, nội dung đào tạo của chu kỳ 2014 (trước đó là các phiên bản 2006 – 2008 và 2011) với những bước đột phá”. – Thạc sĩ Dương Ngọc Thọ, Trưởng Phòng Đào tạo khẳng định. Phiên hội thảo lần này, do vậy có ý nghĩa hết sức quan trọng đối nhà trường.

Theo T.Ngọc-ICTDaNang.vn

Các bài khác...